GS Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan mật TPHCM, cho biết khoảng 5% dân số Việt Nam (tương đương gần 4,5 triệu người) mắc bệnh viêm gan siêu vi C (HCV) và xu hướng nhiễm bệnh ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa.
Tỷ lệ tăng cao
Ông Lê Xuân Th. (38 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cầm kết quả xét nghiệm Anti-HCV dương tính mà như không tin nổi vào mắt mình: “Tôi có uống rượu bia gì đâu mà bác sĩ bảo viêm gan C, rồi còn nói nguy cơ xơ gan nữa”. Anh Th. cho biết, gần đây thấy trong người mỏi mệt, khó thở, đau tức ở vùng gan nên đi khám. Ngẫm nghĩ về nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh của mình, ông Th. băn khoăn vì cách đây ít lâu có đi đến trạm y tế xử lý vết thương ở chân do tai nạn và có thể việc sử dụng chung kim tiêm hoặc băng bó vết thương không an toàn đã dẫn đến lây bệnh từ người khác…
Là một nông dân nghèo nhưng để chữa căn bệnh HCV, vợ chồng ông Trần Ngọc C. (ngụ Long Thành, Đồng Nai) đã quyết định cắt miếng đất cạnh nhà bán được hơn 100 triệu đồng lấy tiền chữa bệnh. Hôm rồi lên thăm khám tại BV Đại học Y Dược TPHCM, ông C. than thở: “Mỗi tháng phải dùng thuốc tiêm và uống hơn 20 triệu đồng và phải điều trị trong thời gian ít nhất 1 năm. Tiền bán miếng đất mới chỉ điều trị được hơn 6 tháng đã hết sạch”.
Theo bác sĩ phụ trách phòng khám gan của BV Đại học Y Dược TPHCM, không ít bệnh nhân đến thăm khám và phát hiện mắc HCV khi ở giai đoạn quá muộn, đã chuyển sang xơ gan, hoặc ung thư gan giai đoạn cuối. Tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, trung bình khoảng 2.400 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính mỗi tháng, trong đó gần 100 trường hợp nhập viện vì bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn xơ gan nặng.
Theo bác sĩ phụ trách khoa khám gan của bệnh viện, sau viêm gan B là viêm gan C với tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng vào khoảng 4%-5%. Nhưng nghiêm trọng hơn khi mắc HCV có thể làm bệnh kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Theo các chuyên gia, 50%-85% người mắc siêu vi C chuyển qua mạn tính, và có tới 20%-25% bệnh nhân mạn tính diễn tiến qua xơ gan và ung thư gan.
Nghiên cứu của phòng khám viêm gan của BV Chợ Rẫy TPHCM đối với tất cả bệnh nhân nhiễm virus HCV điều trị nội và ngoại trú cho thấy tỷ lệ ung thư gan do HCV cao hơn và nhanh hơn so với siêu vi B. Trong khi chưa có thuốc ngừa viêm gan siêu vi C. Nếu như năm 2005, phòng khám viêm gan BV Chợ Rẫy tiếp nhận gần 1.800 bệnh nhân mắc HCV đến khám (chiếm 20% trên tổng số các bệnh nhân đến khám vì các bệnh viêm gan) thì năm 2010 số ca tăng lên hơn 3.000 người.
Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Nhân dân 115 và Trung tâm Y khoa Medic… mỗi ngày cũng có hàng trăm bệnh nhân được phát hiện nhiễm virus HCV mới. Theo bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phân khoa Tiêu hóa - gan mật BV Đại học Y Dược TPHCM, mỗi ngày đơn vị này khám và phát hiện 30 - 50 bệnh nhân nhiễm HCV, trong đó hơn một nửa bệnh nhân mắc HCV đã ở giai đoạn mạn tính.
Nhiều đường lây truyền
Viêm gan siêu vi C là bệnh rất dễ lây nhiễm nhưng theo các chuyên gia, người dân vẫn thiếu hiểu biết về căn bệnh cũng như cách phòng ngừa HCV. “Tình trạng người dân đến các thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt là xăm môi - mắt, xâu khuyên tai ở những nơi không bảo đảm vô trùng cũng rất dễ lây nhiễm viêm gan C”, một chuyên gia về gan - mật cho biết.
Theo TS-BS Đinh Dạ Lý Hương, chuyên khoa gan mật BV Đại học Y Dược TPHCM, đa số bệnh nhân nhiễm siêu vi C không thể tự loại trừ mầm bệnh khỏi cơ thể và trở thành người mang siêu vi C mạn tính. Trong đó, 25% bệnh nhân có men gan bình thường, chậm tiến triển sang viêm gan mạn và gan ít bị hư hại, được gọi là “người mang siêu vi C mạn không triệu chứng”. Số bệnh nhân còn lại chuyển thành viêm gan C mạn tính và sau 10 - 20 năm, ít nhất 20% trong số họ sẽ bị xơ gan.
Theo GS Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan mật TPHCM, nhiễm HCV là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm gan, xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, theo ông do người nhiễm HCV không tìm thấy nguy cơ cũng như mù thông tin về đường lây nên chủ quan và tìm đến sự can thiệp của y học khi ở giai đoạn đã chuyển sang mạn tính hoặc xơ gan.
Các chuyên gia gan mật cho biết HCV có nhiều đường lây truyền nhưng chủ yếu qua đường máu như: truyền máu, dùng chung kim tiêm và ống chích. Ngoài ra, bệnh còn lây truyền qua tiếp xúc tình dục, lây nhiễm từ mẹ sang con (nếu mẹ bị nhiễm thêm HIV thì khả năng lây siêu vi C cho con là 20%-30%), châm cứu, xăm mình, xỏ lỗ tai, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm kéo cắt móng tay... với người bị bệnh…
| |
Tường Lâm