Viện phí mới, cách làm cũ

Từ ngày 1-3-2016, các bệnh viện (BV) công và tư ở TPHCM đã áp dụng mức thu viện phí mới. Nhiều bạn đọc nhận xét: Mặc dù viện phí tăng nhưng chất lượng dịch vụ y tế của các BV chưa được đổi mới, chưa nâng cao tương xứng.
Viện phí mới, cách làm cũ

Từ ngày 1-3-2016, các bệnh viện (BV) công và tư ở TPHCM đã áp dụng mức thu viện phí mới. Nhiều bạn đọc nhận xét: Mặc dù viện phí tăng nhưng chất lượng dịch vụ y tế của các BV chưa được đổi mới, chưa nâng cao tương xứng.

Nên đổi mới quy trình khám bệnh

Tôi đưa người nhà đến BV Nguyễn Trãi khám bệnh diện bảo hiểm y tế, đến BV từ 8 giờ mà mãi 15 giờ mới về được. Lý do phải mất nhiều thời gian không phải là do khám bệnh lâu, mà là vì nộp toa thuốc ở nơi phát thuốc từ lúc 10 giờ 9 phút cho đến 15 giờ mới nhận được thuốc. Vài ngày sau, tôi lại đưa người nhà đến BV Ung bướu TPHCM để khám bệnh, cũng phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Phải đến BV từ lúc 6 giờ để lấy số thứ tự, vì việc lấy số thứ tự tại BV Ung bướu vẫn rất thủ công, theo trình tự như sau: người bệnh tự viết họ tên và loại bệnh vào một tờ giấy rồi đưa bảo vệ BV; sau khi gom giấy tự khai của người bệnh, bảo vệ chuyển giao cho 2 nhân viên y tế ngồi bên trong phân loại và viết lại ra một tờ giấy khác rồi chuyển cho bảo vệ kêu tên. Do viết tay tam sao thất bản nên việc gọi tên bệnh nhân cũng khá lộn xộn, nhầm lẫn. Sau khi được bảo vệ kêu tên và phát cho tờ giấy (mỗi tờ giấy là một loại bệnh, nên có người nhận 2 tờ) để người bệnh đi đóng tiền. Tôi đã phải chờ đóng tiền khám bệnh mất 35 phút và chờ đóng tiền siêu âm mất 40 phút. 

Chất lượng dịch vụ y tế của các bệnh viện chưa được đổi mới, người đến khám bệnh vẫn phải chờ đợi vất vả

Lẽ ra thời gian chờ nhận thuốc tại BV Nguyễn Trãi có thể được cải thiện nếu BV thay đổi cách cấp phát thuốc. Thay vì tất cả người bệnh đều phải ngồi chờ để nhận thuốc như hiện nay, BV nên phân chia làm hai loại: người có thể chờ để nhận thuốc ngay thì nộp toa thuốc một quầy; người cần về nghỉ ngơi hay bận việc muốn quay lại BV nhận thuốc vào cuối giờ chiều thì nộp toa thuốc một quầy khác. Còn BV Ung bướu nên trang bị máy lấy số tự động để đơn giản quy trình lấy số thứ tự và kết hợp cùng lúc việc thu tiền khám bệnh với phát số thứ tự, nhằm giảm bớt thủ tục, giảm số nhân viên và giảm sự phiền hà vì chờ đợi cho người bệnh.

KIM CHI
(quận Phú Nhuận, TPHCM)

Cần phân định rõ dịch vụ và không dịch vụ

Tôi cùng con gái đưa cháu ngoại đến BV Nhi đồng 2 để khám bệnh tiêu hóa. Thấy phiếu thu tiền khám 60.000 đồng, tôi hỏi con gái sao phải trả tiền khám bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi? Con tôi cho biết đóng tiền khám dịch vụ cho nhanh. Nhưng có lẽ ai cũng muốn khám dịch vụ cho nhanh, nên thời gian chờ đợi khám dịch vụ cũng mất gần 2 tiếng đồng hồ.

Còn tại BV Bệnh nhiệt đới, khi làm thủ tục cho cháu tôi nhập viện, một cô nhân viên gợi ý: “Hôm nay đông bệnh nhân, nên phải nằm ghép, nếu không muốn nằm ghép thì đăng ký phòng dịch vụ”. Khi khảo sát phòng dịch vụ, tôi thấy phòng dịch vụ cũng là phòng bệnh công, được BV trưng dụng làm phòng dịch vụ. Hầu như BV công nào cũng lấy phòng bệnh công để thu dịch vụ như vậy.

Thật băn khoăn khi nghĩ: Phải chăng do phòng bệnh công bị trưng dụng làm phòng dịch vụ, nên các BV càng thiếu giường bệnh, phòng bệnh dành cho người bệnh không nằm phòng dịch vụ? Từ thực tế quan sát phòng dịch vụ, khám dịch vụ và điều trị dịch vụ, tôi nghĩ ngành y tế cần phân định rõ dịch vụ và không dịch vụ, tránh tình trạng trưng dụng phòng bệnh làm phòng dịch vụ, hoặc lấy thời gian làm việc công để làm dịch vụ.

BÙI HIỂN
(quận Bình Thạnh, TPHCM)

Cò bệnh viện vẫn lộng hành

Chị tôi từ quê lên TPHCM để đến BV Đại học Y Dược TPHCM khám sức khỏe tổng quát. Do nhà tôi gần đấy nên từ 3 giờ tôi đã thức dậy đến BV để xếp hàng. Phải tranh thủ như vậy chị tôi mới có thể khám xong về kịp trong ngày. Trong lúc xếp hàng chờ, xuất hiện vài cò BV lân la làm quen, hỏi tôi có muốn được khám sớm, ưu tiên không. Nếu muốn thì mua sổ có số thứ tự hàng đầu giá 80.000 đồng, khỏi xếp hàng. Còn bao luôn trọn gói giá 150.000 - 180.000 đồng.

Nhìn trong dãy hàng đang xếp, tôi đứng vị trí chưa đến thứ 20, nên tôi chẳng cần nhờ cò làm gì. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi số thẻ khám bệnh của tôi lại lên đến hơn 100. Trong suốt buổi sáng khám bệnh, tôi phát hiện có một phụ nữ trung niên xách chiếc giỏ đi tới đi lui trong BV ra chiều bận rộn, điều khiển một nhóm cò, cho thấy họ làm cò BV có tổ chức. Trong lúc chờ đợi trước cửa khoa, tôi hỏi thăm một người đàn ông đưa vợ đi khám bệnh. Anh ta cho hay đến BV lúc 7 giờ, nhưng nhờ có cò BV nên vợ anh mới được khám sớm thế này. Anh còn dặn tôi dại gì đi sớm xếp hàng cho mất giấc ngủ, bỏ ra chưa đầy 200.000 đồng là được khám sớm.

Dù rằng tại nhiều BV có treo biển cảnh báo người bệnh cảnh giác cò BV, nhưng cũng bằng thừa. Nạn cò BV lộng hành là vấn đề nhức nhối đã tồn tại trong nhiều năm qua ở các BV lớn tại TPHCM, nhưng chưa được xử lý rốt ráo.

NGUYỄN HOÀNG DUY
(quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục