Lãnh đạo Bộ KH-CN cũng như rất nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu dự án thành lập Viện KH-CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) thành công sẽ là địa chỉ thu hút những tài năng khoa học không chỉ trong nước mà cả ngoài nước cống hiến cho đất nước. Mới đây, cuộc tọa đàm diễn ra tại TPHCM về “Kinh nghiệm Hàn Quốc về tài chính cho KH-CN và Hàm ý chính sách đối với Việt Nam” với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân và nguyên Bộ trưởng Bộ GD, KH-CN Hàn Quốc Ju Ho Lee tiếp tục cho thấy quyết tâm thành lập V-KIST.
Sức mạnh “cứng” của Hàn Quốc
Nếu Việt Nam có được một viện nghiên cứu như Viện KIST Hàn Quốc thì tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn. Và nếu mô hình V-KIST thành công sẽ có những đóng góp rất quan trọng không chỉ cho phát triển KH-CN mà còn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thập kỷ tới. Vì thế Bộ KH-CN kỳ vọng thực hiện thành công dự án thành lập V-KIST.
Xuất phát điểm của dự án V-KIST là đề xuất của Bộ KH-CN Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2012. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã thống nhất việc Hàn Quốc giúp Việt Nam xây dựng một viện theo mô hình của Viện KH-CN Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology - KIST) với sự hỗ trợ của Hàn Quốc 35 triệu USD ODA không hoàn lại và vốn đối ứng của Việt Nam tương đương.
Xây dựng V-KIST sẽ giải tỏa được nhiều khó khăn cho nhà khoa học. Không thể làm mô hình thí nghiệm tạm bợ như thế này với sản phẩm cảm biến áp suất. Ảnh: T.BA
Viện KIST Hàn Quốc được thành lập vào năm 1966, từ con số không nhưng chỉ sau 35 năm (năm 2001) đã trở thành một trong 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và đến nay, Viện KIST vẫn giữ vững là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ GD, KH-CN Hàn Quốc Ju Ho Lee, những sản phẩm của viện đã đóng góp to lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc, giúp nước này trở thành con rồng châu Á trong thời gian ngắn, với tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng 50 năm tăng hơn 300 lần. Đây là một kỷ lục không phải quốc gia nào cũng đạt được… và đang là khát vọng của Việt Nam trong làm chủ công nghệ, vươn lên trong kinh tế.
Cũng cần thấy rõ ở Hàn Quốc, Viện KIST được thành lập và hoạt động mạnh mẽ ngay những bước đầu tiên với 3 yếu tố quan trọng, gồm: Tổng thống Hàn Quốc đỡ đầu trực tiếp; có một đạo luật riêng; có một đội ngũ khoa học giỏi từ các quốc gia phát triển trở về. Tức Hàn quốc xây dựng “hạt nhân” của Viện KIST với sức mạnh “cứng” từ chính sách đến thể chế.
Có tương thích với Việt Nam?
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, lý do Việt Nam chọn theo mô hình của Hàn Quốc chứ không theo mô hình của Hoa Kỳ, Nhật Bản hay các nước Tây Âu, Bắc Âu là trình độ phát triển của Hàn Quốc so với Việt Nam có khoảng cách không quá lớn. Hơn nữa hoàn cảnh, văn hóa, tập quán của Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, Việt Nam cũng có những điểm khác biệt rất đặc thù nên việc học tập cũng không thể máy móc.
Song thực tế ở đây Bộ KH-CN cũng muốn V-KIST của Việt Nam có sức mạnh “cứng” theo kiểu Hàn Quốc. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đỡ đầu cho V-KIST thông qua chỉ đạo trực tiếp.
Ở thời điểm này, Quốc hội cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc là có một đạo luật dưới dạng nghị quyết nhưng phạm vi mở rộng hơn không chỉ cho V-KIST mà áp dụng cho các viện nghiên cứu cần có cơ chế chính sách đặc biệt. Tuy nhiên, Bộ KH-CN vẫn bảo lưu quan điểm là cần một đạo luật, nếu không áp dụng riêng cho V-KIST thì cũng áp dụng cho một số viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến của thế giới và cần những cơ chế chính sách đặc biệt. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, đó là các nhà khoa học ở V-KIST nhận đặt hàng sản phẩm cụ thể từ doanh nghiệp, hưởng lợi từ sản phẩm làm ra; lương nhà khoa học do viện quyết định… Tức là tự chủ đến mức cao nhất có thể.
Khi V-KIST được chính thức thành lập, Bộ KH-CN sẽ có thư mời các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, kể cả thế hệ trẻ và thế hệ đã có kinh nghiệm, cũng như mời một số nhà khoa học nước ngoài giúp V-KIST trong thời gian đầu. Từ đó, vai trò của các nhà khoa học trong nước sẽ được tăng cường và dần dần nhiều nhà khoa học giỏi trong nước sẽ tham gia vào hoạt động của V-KIST.
Như vậy sức mạnh “cứng” là điều không thể khác khi nhìn cách Hàn Quốc đã làm. Cũng có nghĩa V-KIST của Việt Nam sẽ theo những bước đi đầu tiên của KIST Hàn Quốc. Vậy việc học tập không thể máy móc trong xây dựng V-KIST vẫn phải chờ cách xây dựng, vận hành được cho là chính sách “mềm” của Bộ KH-CN. Tuy nhiên, có vấn đề cần đặt ra là nếu V-KIST hoạt động thì vai trò của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam cũng như nhiều viện nghiên cứu khác nữa sẽ được tính toán như thế nào trong bức tranh chung sự phát triển KH-CN Việt Nam?
TRẦN LƯU - BÁ TÂN