(SGGPO). – Sáng nay 10-3, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035”.
Dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, các chuyên gia đến từ hơn 20 tổ chức quốc tế.
Quang cảnh buổi hội thảo
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp ban hành thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục trong nhiều năm. Cụ thể, giai đoạn 2006-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần; tỷ trọng GDP công nghiệp duy trì ổn định khoảng 31%-32% GDP; tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân 6,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiêp tăng gần 3,5 lần… Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình như công nghiệp ở trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế; tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/năm – thấp hơn bình quân chung của nền kinh tế (3,9%). Còn so với năng suất lao động ngành của khu vực thì Việt Nam thấp hơn Malaysia và Thái Lan 6,4 lần, thấp hơn Philippines 3,6 lần.
Chia sẻ về vấn đề này, GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản), cho rằng Việt Nam cần có chính sách khôn ngoan chọn lựa FDI và nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đồng thời phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập thương hiệu riêng.
Cũng theo GS Trần Văn Thọ, 2 lĩnh vực Việt Nam cần chú trọng là các loại máy móc (như xe hơi, xe máy, máy in, máy công cụ, máy tính, camera…) và công nghiệp thực phẩm chế biến từ nông thủy sản mà Việt Nam có nguồn cung cấp phong phú. Về các loại máy móc, nhu cầu thế giới ngày càng lớn vì đàn tính thu nhập cao, và các công ty đa quốc gia đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam. Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để doanh nghiệp FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn. Chính phủ nên đối thoại với các tập đoàn lớn sản xuất máy in, xe máy, xe hơi… để biết cần có chính sách gì để khuyến khích họ mở rộng và nâng cao diện sản xuất tại nước ta. Bên cạnh đó cần ưu tiên củng cố nội lực, cụ thể là tăng năng lực quản trị nhà nước và xây dựng tư bản dân tộc ngày càng vững mạnh; rà soát và lập lại chiến lược hội nhập; chính sách đào tạo nguồn nhân lực cũng phải thay đổi thông qua việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động mà Việt Nam sẵn có thế mạnh như dệt may và da giày
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fullbright Việt Nam, vấn đề chính của chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam hiện nay không phải là nên hay không nên có chính sách công nghiệp ưu tiên mà là vấn đề có chính sách công nghiệp ưu tiên như thế nào. Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm cá biệt như hiện nay mà nên thực thi chính sách ưu tiên một số lĩnh vực năng lực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước. Trong trường hợp Chính phủ không muốn sử dụng cách tiếp cận mới mà vẫn muốn đi theo cách tiếp cận lựa chọn ngành công nghiệp mục tiêu như hiện nay thì việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu phải được thực hiện một cách thật bài bản, kỹ lưỡng, và thận trọng. Quá trình lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu cần dựa trên một số nguyên tắc. Đó là, ngành công nghiệp ưu tiên phải thuận theo lợi thế so sánh động của Việt Nam. Tuyệt đối không đưa vào danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên một cách duy ý chí, đi ngược lại lợi thế so sánh của Việt Nam. Một hệ quả của nguyên tắc này là việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu phải thực tế, dựa trên thực lực công nghệ của quốc gia và bối cảnh thị trường thế giới. Tiếp đến là ngành công nghiệp ưu tiên nên là các ngành tạo ra tác động lan tỏa tích cực đáng kể cho các ngành khác trong nền kinh tế; ngành công nghiệp ưu tiên phải là ngành đang có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường nội địa và/hoặc thế giới, vì điều này chứng tỏ ngành được ưu tiên là ngành có nhu cầu cao và do vậy có tiềm năng phát triển trong tương lai; cho đến khi Việt Nam hết giai đoạn dân số vàng (dự báo điều này xảy ra vào khoảng năm 2025), Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động mà Việt Nam sẵn có thế mạnh (như dệt may và da giày); với các điều điện khác như nhau (chẳng hạn như cùng có tốc độ tăng trưởng cao và cùng phù hợp với lợi thế so sánh của Việt Nam), ưu tiên những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo ra năng lực cạnh tranh trong tương lai, và các ngành có tính chất kết nối cao…
HÀ MY