Việt Nam cần làm gì để cạnh tranh toàn cầu?

TS Vũ Thành Tự Anh
Việt Nam cần làm gì để cạnh tranh toàn cầu?

Việt Nam (VN) đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục cuối cùng cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào tháng 11 tới đây. Điều đó cũng có nghĩa, chúng ta đang đứng trước một bước phát triển quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế. Nhân Ngày Doanh nhân VN vừa qua, Báo Sài Gòn Doanh Nhân đã tổ chức hội thảo “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế VN”, hơn 500 DN đã tham dự.

Chúng tôi xin trích đăng tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo của một số chuyên gia kinh tế, chủ DN xoay quanh vấn đề này.

TS Vũ Thành Tự Anh Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (Mỹ)
Phải cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, giá trị gia tăng toàn cầu

Việt Nam cần làm gì để cạnh tranh toàn cầu? ảnh 1
Ngành dệt may, một trong những ngành sẽ gặp nhiều khó khăn khi VN gia nhập WTO.

Năng lực cạnh tranh của một quốc gia thể hiện rất rõ qua tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và thành phần của giỏ hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nếu tính khoảng giữa 2 năm từ 1997 - 2002 thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN dường như không thay đổi, bởi xuất khẩu của chúng ta vẫn dựa vào 2 mặt hàng chính là dầu thô và hàng nông sản.

Vào WTO, sẽ có 5 điểm mới trong cuộc chơi, đó là người chơi khác (họ giàu có hơn, giỏi hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn); sân chơi khác; luật chơi khác; trọng tài khác và khán giả cũng sẽ khác. Trong bối cảnh đó, VN phải làm gì? Câu trả lời: “Phải có một chiến lược hoàn toàn khác”. Các DNVN lúc này không thể bước vào cuộc cạnh tranh một cách đơn lẻ mà phải cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, giá trị gia tăng toàn cầu.

Một khi chúng ta đã trở thành một phần trong các chuỗi này, họ sẽ nói cho chúng ta biết nên làm gì và làm như thế nào. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của WTO, chúng ta cần phải tận dụng xu hướng “làm thuê” và “bắt chước” giống như Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng làm.

TS Lê Đăng Doanh Chuyên gia Kinh tế Cao cấp
Nên biết cách tránh “bão”!

Trước đây, khi không có WTO, các cuộc phân chia lại thị trường đã dẫn đến đổ máu. Nay việc phân chia không đổ máu, song hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về sự thiện chí của bất cứ ai, vì có ai “vác đá ghè chân mình đâu”. Thiện chí luôn dựa trên cơ sở lợi ích, có đi, có lại, chúng ta phải tiếp nhận sự cạnh tranh toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc VN sẽ có nhiều cơ hội từ WTO mang lại, với điều kiện DNVN phải tìm cách để sống an bình trong sự giông bão!

Chẳng hạn, khi “người khổng lồ” Coca Cola vào VN, ngay lập tức có khá nhiều DN trong nước phải “phá sản”, trong đó có Tribeco. Điều đáng lưu ý là Tribeco đã “phá sản trong sự tàn phá sáng tạo”, bằng cách Tribeco đã xuất hiện trên thị trường với một diện mạo mới, tươi trẻ và tràn đầy sức sống với các loại nước giải khát không có ga như sữa đậu nành, nước cà rốt – cam ép và được người tiêu dùng ủng hộ nhiệt tình. Ngay sau đó, Vinamilk cũng đã vào cuộc với các loại nước trái cây như cam, đào, táo, ổi… vừa tốt cho sức khỏe, vừa làm trắng da, dài tóc! Trong sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, nếu các DN biết tận dụng kẽ hở thị trường để “lách” thì vẫn có thể sống khỏe và an bình!

PGS.TS Trần Đình Thiên Viện Phó Viện Kinh tế TƯ
Xây  dựng lộ trình, xác định kịch bản hội nhập

Thời gian thực hiện các cam kết WTO của VN ngắn hơn so với các nước đi trước. Đây là một điểm bất lợi. Song chính điều này buộc VN phải hành động một cách quyết liệt và bài bản hơn, phải thiết kế lộ trình hội nhập tốt, chắc chắn để nền kinh tế và DN đạt hiệu quả hơn.

Cụ thể, phải thay đổi mô hình tăng trưởng cho phù hợp với các điều kiện toàn cầu hóa và gia nhập WTO, chuyển từ mô hình dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và vốn sang mô hình dựa vào nguồn nhân lực và công nghệ; chuyển từ mô hình tăng trưởng nghiêng về hướng nội, thay thế nhập khẩu sang mô hình hướng ngoại và định hướng cạnh tranh xuất khẩu; chuyển từ mô hình chủ yếu dựa vào nhà nước và khu vực DNNN sang thị trường và kinh tế tư nhân, trong đó DN FDI là lực lượng dẫn dắt công nghệ, tài chính và thị trường.

Phải hoàn chỉnh khung pháp lý và hành chính phù hợp với các quy định của WTO, hoàn chỉnh hệ thống thể chế kinh tế thị trường. Đây là mục tiêu quan trọng, quyết định triển vọng VN được công nhận là nền kinh tế thị trường sau khi gia nhập WTO, tránh được rủi ro và tổn thất khi hội nhập. Đẩy mạnh cải cách khu vực DNNN bằng các giải pháp thị trường, đưa ra lộ trình cắt giảm tỷ lệ đầu tư nhà nước nhằm phát triển khu vực DNNN trong tổng đầu tư xã hội.

TS TRẦN HỮU CHINH Tổng Giám đốc FIDECO
Phải chạy nhanh và đúng hướng

VN có lợi thế gì khi vào WTO? Câu trả lời là vì vào sau nên VN sẽ học được nhiều kinh nghiệm từ các nước vào WTO trước, tránh được những ràng buộc không có lợi cho phát triển kinh tế đất nước…

Để phát huy các lợi thế, Chính phủ cần thiết lập lộ trình cải tiến hệ thống kinh tế vĩ mô, phù hợp với lộ trình hội nhập. Cần xác lập một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, thực hiện xuyên suốt tự do mậu dịch, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân…Về phía các DN cũng cần nhanh chóng xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng với yêu cầu của người tiêu dùng, đồng thời cũng phải đào tạo ngay nguồn nhân lực giỏi về ngoại ngữ, tin học, quản trị và các ngành chuyên môn khác để hội nhập toàn cầu.

Tục ngữ của châu Phi là buổi sáng ở khu rừng châu Phi, con linh dương thức dậy phải chạy nhanh hơn con hổ chạy nhanh nhất mới có cơ hội sống còn. Buổi sáng, cũng có con hổ thức dậy phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất để có mồi ăn. VN ta cũng không cần coi mình là con linh dương hay con hổ mà phải chạy nhanh và đúng hướng khi mặt trời lên.

Ông GIẢN TƯ TRUNG Chủ tịch HĐQT Công ty PACE
Thay đổi cách nhìn để thấy được sức mạnh dân tộc

Một quốc gia chỉ có thể hùng mạnh nếu quốc gia đó dám đua tranh cùng thế giới, có khả năng tham gia giải quyết những vấn đề của thế giới và đáp ứng nhu cầu thế giới. Nói cho rõ là quốc gia đó sẽ có khả năng bán được gì cho thế giới. Ngược lại, một quốc gia không thể giàu mạnh nếu DN trong quốc gia đó chỉ nghĩ đến chuyện mình sẽ bán được gì cho người dân của mình.

Vậy, VN ta có thể bán được gì cho thế giới để từ đó trở thành một quốc gia giàu mạnh và văn minh? Đó là một câu hỏi lớn, câu hỏi của cả dân tộc và cũng là câu hỏi cho mỗi DN, mỗi doanh nhân và mỗi người dân VN. Do vậy, cần phải thay đổi cách nhìn thì DNVN và dân tộc VN mới có thêm sức mạnh và đó cũng chính là một trong số những lợi thế cạnh tranh quan trọng của VN. 

Lâu nay, chúng ta vẫn thường có cái nhìn yếm thế. Mỗi lần có ai đó đi nước ngoài về, câu đầu tiên được hỏi là “Thế giới này có gì hay?”. Câu hỏi này rất hay. Nhưng tại sao chúng ta lại không có thêm những câu hỏi nữa đại loại như “Họ có cái gì dở không?”, mà ở khía cạnh đó có những cái lại là thế mạnh của ta, hay ta có thể làm tốt hơn nhiều nước.

Trong cạnh tranh, điều quyết định thành công thường nằm ở chỗ “cái dở của người” và “cái hay của mình”. Còn việc thấy được “cái dở của mình và “cái hay của người” thường chỉ giúp mình tránh được thất bại mà thôi. “Mình” ở đây chính là VN và “người” ở đây chính là thế giới.

THÚY HẢI thực hiện

Tin cùng chuyên mục