(SGGP).– Ngày 3-6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì họp báo quốc tế thông báo Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 19 do Chính phủ Việt Nam và WEF đồng tổ chức sẽ chính thức diễn ra ngày 6 và 7-6, tại TPHCM.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cho biết, hội nghị thường niên lần này sẽ có sự tham dự của 450 đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo chính phủ cấp cao trong khu vực, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và báo giới quốc tế. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Myanmar và lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Tổng Thư ký ASEAN, Tổng Giám đốc WTO và nhiều bộ trưởng kinh tế các nước trong khu vực cùng các quan chức cấp cao của các tổ chức tài chính tiền tệ khu vực như ADB, IMF… cũng sẽ tham dự hội nghị.
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều dấu hiệu phục hồi khả quan, Hội nghị WEF Đông Á có chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”, tập trung thảo luận 4 nội dung chính: Vai trò đang lên của châu Á; các rủi ro toàn cầu; chương trình tăng trưởng xanh của châu Á và chương trình tăng trưởng trong tương lai của châu Á. Tại hội nghị, các đại biểu cùng chia sẻ những ý tưởng, bàn thảo và đề xuất các giải pháp cho các vấn đề đang được quan tâm không chỉ của châu Á mà cả toàn cầu, định hướng cho sự phát triển của khu vực năm tới và dài hạn. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu khai mạc trước toàn thể hội nghị và tham dự hai phiên chính thức trong chương trình.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng khẳng định: “Việc tổ chức WEF Đông Á lần thứ 19 tại Việt Nam là một sự lựa chọn đúng nơi và đúng thời điểm. Việt Nam là một trong số không nhiều nước có mức tăng trưởng kinh tế dương 5,3% năm 2009. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, đây là con số ấn tượng được nhiều nước đánh giá cao. Kinh tế thế giới đang phục hồi lạc quan, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, đây là cơ hội để các đại biểu không chỉ dự hội nghị mà còn tìm hiểu về Việt Nam như một minh họa cho các vấn đề được bàn thảo tại hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới lần này”.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với những người đứng đầu chính phủ và các quan chức cao cấp các nước tham dự hội nghị cũng như tiếp xúc với một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động bên lề nhằm giới thiệu về đất nước, con người cũng như sự phát triển kinh tế và hình ảnh năng động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp quốc tế: Tiềm năng của Việt Nam rất to lớn Kết thúc buổi họp báo về Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, Giám đốc WEF khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Sushant Palakurthi Rao đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh sự kiện kinh tế trọng đại sắp diễn ra tại Việt Nam. - Phóng viên: Thưa ông, lý do nào WEF quyết định chọn Việt Nam là nơi tổ chức sự kiện trọng đại này của diễn đàn? Ông SUSHANT PALAKURTHI RAO: WEF đánh giá cao vai trò và công tác tổ chức của Việt Nam. Chính vì sự kết hợp giữa sự năng động của kinh tế Việt Nam, khu vực Đông Á và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong thời gian qua đã khiến chúng tôi lựa chọn Việt Nam là nước chủ nhà của WEF Đông Á lần thứ 19. Đây là một địa điểm lý tưởng để tổ chức hội nghị lần này của WEF, bởi Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như các hội nghị APEC, ASEM và hiện Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN. Và tôi tin tưởng đây sẽ là hội nghị thành công nhất từ trước đến nay. - Đâu là cơ sở khiến ông tin tưởng Việt Nam sẽ là nơi tổ chức hội nghị thành công nhất từ trước đến nay? Không chỉ Việt Nam là điển hình cho những nền kinh tế đang phát triển năng động mà Việt Nam còn nằm trong khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Hội nghị lần này thu hút một số lượng lớn các nhà doanh nghiệp hàng đầu tham dự. Mặc dù chưa diễn ra, song đã có nhiều nguyên thủ và các nhà lãnh đạo cao cấp từ các nước khẳng định tham dự hội nghị là những tín hiệu cho thấy họ tin tưởng công tác chuẩn bị tốt của Việt Nam cũng như những kỳ vọng vào cơ hội hợp tác, chia sẻ bài học vượt qua khó khăn, hướng tới thành công. Đó là những lý do khiến WEF tin tưởng chắc chắn hội nghị lần này tại Việt Nam sẽ thành công. - Với gần 500 đại biểu tham dự, theo ông sau hội nghị những cơ hội hợp tác nào giữa Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế sẽ được mở ra? Đây là diễn đàn để chia sẻ những ý tưởng làm ăn kinh doanh cũng như kinh nghiệm và cách thức ứng phó, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam với dân số trẻ, năng động, nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng cao sẽ là mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp quốc tế đầu tư kinh doanh. Theo nghiên cứu của WEF, TPHCM và Hà Nội là hai TP đang phát triển năng động hàng đầu thế giới, trong 1 thập kỷ nữa dân số của Hà Nội và TPHCM cũng sẽ tăng gấp đôi, nên tiềm năng để đầu tư vào hai TP trên nói riêng và vào Việt Nam nói chung còn rất to lớn. |
Thành Nam