Quyết định áp thuế chống bán phá giá của EC

Việt Nam không đồng tình

Bắt đầu từ hôm qua, 6-10, EC đã chính thức áp mức thuế chống bán phá giá 10% đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. “Dù mức thuế cuối cùng đã thấp hơn so với phán quyết sơ bộ, nhưng phía Việt Nam vẫn không đồng tình với quyết định nêu trên”, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh đã nhấn mạnh như vậy trong bài trả lời phỏng vấn báo chí ngày 6-10.

- Phóng viên:
Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của Bộ Thương mại về việc Ủy ban châu Âu (EC) áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm giày có mũ da Việt Nam?

- Thứ trưởng LÊ DANH VĨNH:
Khi đưa ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá thấp hơn so với quyết định sơ bộ (16,8%), EC đã xem xét lại những dữ liệu thực tế do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp trong quá trình hợp tác tích cực với EC để tính toán hợp lý chi phí, giá thành sản xuất,... giày da ở Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn không đồng tình với quyết định nêu trên.

Một lần nữa, Bộ Thương mại Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không bán phá giá giày có mũ da vào thị trường EU. Việc EC áp dụng thuế chống bán phá giá là đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại mà Cộng đồng châu Âu khởi xướng, không phù hợp quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và EU. Chính vì vậy, 12 nước thành viên của EU đã phản đối vụ kiện. Chúng tôi đánh giá cao thái độ của các nước này.

Việc EU đưa giày trẻ em vào diện chịu thuế chống bán phá giá trong đề xuất mới của mình là bất hợp lý và không có cơ sở. Với mức thuế 10% thì mức giá giày trẻ em sẽ tăng lên và không ai khác ngoài người tiêu dùng nói chung và trẻ em của các nước thành viên sẽ phải gánh chịu.

- Thứ trưởng dự báo gì đối với tình hình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp da giày Việt Nam trong thời gian tới?

- Bộ Thương mại Việt Nam thấy rằng, mức thuế này là cao và thời gian áp dụng 2 năm chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Sau quyết định sơ bộ với mức thuế từ 4,2% đến 16,8% thì các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng khó khăn do các đơn hàng giảm sút, trong khi lương của công nhân Việt Nam vốn đã thấp, nay càng thấp hơn, gây rất nhiều khó khăn cho người lao động; mặt khác, các đối tác nước ngoài cũng đã di chuyển các đơn hàng sang nước thứ ba.

Do đó, việc tiếp tục áp dụng mức thuế chống bán phá giá 10% trong vòng 2 năm và cộng với mức thuế hiện hành thì các sản phẩm giày mũ da Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế tổng cộng trung bình hơn 14%. Điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn hơn trong cạnh tranh với các nước khác trên thị trường EU.

Hy vọng EC sớm chấm dứt áp thuế chống bán phá giá với giày mũ da Việt Nam

Tin từ Bộ Ngoại giao ngày 6-10 cho biết, trả lời câu hỏi của các phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4-10 áp đặt thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói:

“Quyết định của Ủy ban châu Âu áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm giày mũ da của Việt Nam là không công bằng, đi ngược lại chủ trương tự do hóa thương mại mà Ủy ban châu Âu đề xướng và ủng hộ mạnh mẽ. Như chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ, các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất tại Việt Nam không bán phá giá các sản phẩm giày mũ da vào thị trường EU. Chúng tôi cho rằng việc áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm giày mũ da của Việt Nam chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của một số nhà sản xuất kém khả năng cạnh tranh ở châu Âu trong khi sẽ gây thiệt hại cho đa số người tiêu dùng và các nhà phân phối bán lẻ.

Việt Nam hy vọng rằng Ủy ban châu Âu sớm xem xét và chấm dứt áp dụng biện pháp này vì lợi ích của người tiêu dùng châu Âu và những người lao động Việt Nam”.

B.H.

ANH NHI

Tin cùng chuyên mục