Thúc đẩy hợp tác
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đều nhận định quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Myanmar đang phát triển tốt đẹp, với nhiều chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực, đặc biệt là tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt, thông qua việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, cũng như tăng cường giao lưu nhân dân.
Hai bên ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các kênh, kể cả kênh Đảng và Quốc hội, và trên nhiều lĩnh vực, nỗ lực đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, thiết thực hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2020.
Lãnh đạo hai nước đánh giá quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực đã có những thành tựu nổi bật. Trong đó, kim ngạch thương mại song phương năm 2019 dự kiến đạt trên 1 tỷ USD, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2020 và Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Myanmar. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Myanmar đã đồng ý nhập khẩu thanh long của Việt Nam theo mùa vụ; đánh giá cao việc vừa qua Myanmar đã tích cực tháo gỡ một số vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam...
Trao đổi về hợp tác an ninh - quốc phòng, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác về hải quân, quân y, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, cứu hộ - cứu nạn, hợp tác quân - binh chủng, quản lý biên giới, tình báo quốc phòng; chống các loại tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, di cư trái phép, rửa tiền...; không cho phép các cá nhân, tổ chức sử dụng lãnh thổ nước này thực hiện các hoạt động chống phá nước kia; thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, bảo vệ thông tin mật, pháp luật và tư pháp. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác có tác động tích cực đối với việc thắt chặt tình hữu nghị và giao lưu nhân dân như văn hóa, thể thao, du lịch, lao động và giáo dục - đào tạo...
Sau hội đàm với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, hai nước đã ký kết 3 văn kiện hợp tác quan trọng, gồm: Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar giai đoạn 2019-2024; Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao và lễ trao Công hàm sửa đổi Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông của hai nước và cùng gặp gỡ báo chí hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi chứng kiến lễ ký kết 3 văn kiện hợp tác quan trọng |
Duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, lãnh đạo hai nước nhất trí ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hiệp quốc (LHQ), ASEAN cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác như ACMECS, CLMV, GMS, EWEC...
Về vấn đề biển Đông, lãnh đạo hai nước nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở vùng biển này; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.
Lãnh đạo hai nước cho rằng, là thành viên ASEAN, Việt Nam và Myanmar cùng các nước ASEAN cần tiếp tục ủng hộ lập trường chung của ASEAN về vấn đề biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông.