Một trong số những nội dung chính của chương trình nghị sự tại Hội nghị APEC lần thứ 14 là bảo đảm an ninh con người, trong đó có việc đối phó và phòng chống thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo an toàn lương thực… Ngay trong ngày khai mạc Tuần lễ APEC, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi ngắn với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về vấn đề này.
°PV: Thưa Bộ trưởng, với tư cách là chủ nhà của APEC 2006, Việt Nam đề xuất những sáng kiến và khuyến nghị gì để bảo đảm an ninh và tính mạng con người?
°Bộ trưởng CAO ĐỨC PHÁT: Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao thống nhất trình lên Chính phủ đưa ra 3 sáng kiến để bảo đảm an ninh con người nhân Hội nghị APEC. Nội dung chính của 3 sáng kiến đó là: xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các thành viên APEC trên tất cả lĩnh vực có liên quan nhằm đối phó với các nguy cơ của thiên tai; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa các thành viên APEC, đặc biệt là các thành viên ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á nhằm hỗ trợ nhau trong các tình huống đối phó với thiên tai; xây dựng cơ chế cảnh báo thiên tai như bão, sóng thần, động đất để người dân biết sớm nhất các hiểm họa của thiên tai có thể xảy ra và có những biện pháp đối phó kịp thời.
°Việt Nam là chủ nhà APEC trong bối cảnh vừa trở thành thành viên chính thức của WTO, ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành gặp khó khăn nhất. Ông có thể cho biết, Việt Nam có đề xuất những cơ chế hợp tác như thế nào trong APEC để nông nghiệp Việt Nam có thể đứng vững trong tiến trình hội nhập?
°Đây là vấn đề chúng tôi đã tính đến từ lâu trước khi Việt Nam xin gia nhập WTO. Và chúng tôi đã phân loại ra 3 nhóm hàng nông nghiệp để có chính sách phát triển. Nhóm 1 là các ngành hàng mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh để tập trung phát triển cho thị trường trong nước và xuất khẩu; nhóm 2 là các mặt hàng tập trung phát triển đáp ứng tiêu dùng nội địa, nhóm 3 là các mặt hàng không khuyến khích phát triển chỉ để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng ở địa phương.
Nhân Hội nghị APEC, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu quảng bá và đưa ra các chính sách có thể hỗ trợ hợp tác với nhau, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
°Thưa ông, một trong những nội dung quan trọng được đặt ra tại Hội nghị APEC lần này là thúc đẩy vòng đàm phán Doha đã bị gián đoạn do bất đồng trong vấn đề trợ cấp nông nghiệp. Với vai trò là chủ nhà APEC, chúng ta có đề xuất sáng kiến và giải pháp gì để nối lại vòng đàm phán Doha?
°Chưa thể nói cụ thể, nhưng với vai trò là chủ nhà, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để nối lại vòng đàm phán Doha bởi nếu không nối lại tiến trình này thì sẽ là bất công cho các nước đang phát triển và gây thiệt thòi cho nông dân.
°Xin cảm ơn ông.
VĂN NGHĨA