Việt Nam tham dự đối thoại về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh trả lời phỏng vấn trước khi cùng đoàn Việt Nam tham dự phiên đối thoại về báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Ngày 5-7, phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn tới Thụy Sỹ tham dự phiên đối thoại về báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) tại phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền tại Geneve. Phiên đối thoại dự kiến được tiến hành trong các ngày từ 7 đến 8-7.

Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đoàn Việt Nam có đại diện của 9 cơ quan gồm Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Văn phòng Chính phủ.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) là điều ước quốc tế đa phương quan trọng với số lượng các quốc gia tham gia đông đảo (173 quốc gia). Nội dung Công ước quy định các quyền gắn liền với các cá nhân từ khi sinh ra đến hết cuộc đời (quyền sống, quyền được bảo đảm an ninh, an toàn cá nhân, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tham gia quản lý xã hội…). Một số quyền trong Công ước ICCPR sau này được Liên hợp quốc phát triển thành những điều ước quốc tế riêng như quyền không bị tra tấn, quyền bình đẳng giới…. Việt Nam đã gia nhập Công ước ICCPR vào ngày 24-9-1982.

Để chuẩn bị cho phiên đối thoại này, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ Công ước ICCPR lần thứ 4. Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành có liên quan đã thực hiện rà soát danh sách các vấn đề quan tâm năm 2024, khuyến nghị năm 2019 của Ủy ban Nhân quyền và hơn 50 báo cáo của các tổ chức phi chính phủ (Báo cáo độc lập) về tình hình thực thi Công ước tại Việt Nam.

“Việc đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền tại Geneva tới đây là cơ hội để Việt Nam báo cáo những nỗ lực cũng như những kết quả của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước. Thông tin, bằng chứng được đưa ra tại báo cáo cũng như phiên đối thoại sẽ là câu trả lời rõ ràng, phản bác những thông tin còn sai lệch về tình hình quyền con người tại Việt Nam.

Với những vấn đề được đề cập nhưng chưa chính xác, chưa khách quan về tình hình quyền con người tại Việt Nam, chúng tôi xác định sẽ thẳng thắn đối thoại, không né tránh. Đối với những nội dung đã rõ, chúng tôi sẽ thông tin ngay, còn vấn đề chưa đủ thông tin thì chúng tôi sẽ đề nghị cung cấp thông tin để kiểm tra và trả lời sau.

Chúng tôi cũng xác định tham gia Phiên đối thoại trên tinh thần cầu thị, cởi mở đối với các vấn đề được đề cập để tiếp thu, tiếp tục thúc đẩy những nội dung chúng ta đã thực hiện tốt. Đồng thời, cũng có cách tiếp cận phù hợp để thúc đẩy thực thi Công ước một cách hiệu quả hơn nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục