Mục tiêu 90-90-90 được đặt ra gồm các chỉ tiêu: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virrus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Nếu như năm 2014, khi đặt mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS được coi là đầy tham vọng, thì đến năm 2018, Việt Nam có thể tự tin nói đây là mục tiêu có tính khả thi cao.
Như vậy, nếu đạt được ba mục tiêu 90-90-90 thì chúng ta có thể đạt mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên hợp quốc đề ra.
Có được kết quả này là do Việt Nam đã thay đổi chính sách; nỗ lực trong việc điều chỉnh về cung cấp dịch vụ như gắn kết bảo hiểm y tế đối với điều trị; chỉnh sửa lại hướng dẫn điều trị và tải lượng virus; điều trị dự phòng trước lây nhiễm… Những sự điều chỉnh này đã giúp việc tiếp cận của người bệnh đối với công tác điều trị dễ dàng hơn.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam phát hiện 3.501 số HIV mới; 1.824 số bệnh nhân AIDS và 814 người HIV tử vong.
Hiện vẫn còn khoảng 50.000 người HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện (ví dụ sự kiện ở Phú Thọ). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại qua giám sát trọng điểm; lây truyền HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới trẻ tuổi (ước tính cả nước có khoảng 170.000 người).
Nhằm nâng cao công tác phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, theo ông John Blandford, Bộ Y tế Việt Nam cần yêu cầu nhân viên y tế phải thông báo cho bệnh nhân việc xét nghiệm tải lượng virus HIV một cách định kỳ, thường xuyên để điều trị bệnh tốt hơn.
“Trong năm qua, Việt Nam chứng kiến sự chuyển biến tích cực của nghiên cứu K=K (không phát hiện HIV = không lây nhiễm HIV). Sự chuyển biến này được nhìn nhận và đánh giá trên toàn thế giới và được đưa vào hướng dẫn điều trị, hoạt động và tăng cường sự cam kết của người điều trị để giảm kỳ thị trong cộng đồng” - ông John chia sẻ.
Ông John Blandford cũng cho biết thêm, CDC sẽ đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong việc đưa nghiên cứu K=K vào thực hành trong xã hội.