Dưới cái nắng ấm áp của ngày đầu xuân Giáp Ngọ, chúng tôi đến thăm gia đình anh Có, chị Thủy ngụ tại ấp 5, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Trong căn nhà nhỏ tươm tất nằm giữa những ruộng đồng lộng gió, thanh bình ngập tràn tiếng cười đùa của trẻ nhỏ, chị Thủy vui vẻ khoe: Căn nhà này vừa được anh chị sửa lại trước tết, hết khoảng 70 triệu đồng.
Rồi giọng chị trầm buồn: quanh năm buôn bán trên sông nước, có năm tết cũng không về nhà. Anh chị có 3 đứa con, 2 đứa con lớn gửi cho ông bà nội ở cạnh nhà nuôi đi học, đứa nhỏ 4 tuổi đã theo cha mẹ đi ghe khi mới 1 tuổi 10 ngày. Những năm trước, mỗi ngày buôn bán còn lời được vài ba trăm ngàn nhưng mấy năm trở lại đây, kinh tế khó khăn nên mỗi ngày 2 vợ chồng kiếm chỉ được trăm ngàn đồng, có hôm không lời đồng nào. Trước tết này, thấy nhà mục nát, các con chị năn nỉ ba mẹ sửa sang lại nhà ở cho sạch sẽ. Thương con, anh chị gom hết tiền tích cóp bao lâu nay rồi vay mượn thêm để làm lại nhà đàng hoàng để các con ở. “Thôi kệ, bánh tét lột dần cũng hết vỏ, mình dành dụm từ từ cũng trả hết nợ” - chị mộc mạc nói.
Khi hỏi về sự cố cháy tàu cánh ngầm hôm 20-1, mà anh chị là những người hỗ trợ đắc lực với lực lượng chức năng cứu hộ, chị xúc động khóc, nhớ lại, hôm ấy, ghe anh chị đang buôn bán khu vực cầu Phú Mỹ thì phát hiện khói bốc lên nghi ngút từ chiếc tàu cánh ngầm, biết là tàu cháy, chị gọi ông xã chạy đến ứng cứu. “Lúc đó nước cao nửa người, tôi không biết bơi, sợ tôi chết nếu như nước lên cao hơn nữa nên chồng tôi không cho tôi xuống mà nói để mình anh ấy tham gia cứu hộ. Nhưng khi nhìn thấy các anh cảnh sát đường thủy cứu người vất vả quá, hành khách thì hoảng sợ nên tôi liều nhảy xuống nước cùng với chồng kéo hành khách lên ghe của mình” - chị Thủy cho biết. Với sự hướng dẫn nghiệp vụ của các anh cảnh sát giao thông đường thủy, anh chị đã đưa khoảng 15 hành khách lên bờ an toàn. Hôm đó, chị nhớ có một khách mang bầu, hoảng hốt cũng được cứu kịp thời.
Lời chia sẻ về động cơ cứu người thật trong sáng, như là bản năng này của vợ chồng anh Có, chị Thủy làm chúng tôi liên tưởng đến tâm sự trước đó của cha con anh Ngô Văn Hồng đã tham gia cứu hơn 50 khách trong vụ cháy tàu này: “Cha con tôi chỉ biết lui cui cứu người, đến khi các anh cảnh sát đường thủy cảnh báo: chạy xa nhanh lên, coi chừng tàu nổ… mình mới hết hồn!”.
Chị Thủy cho biết thêm, hàng ngày buôn bán trên sông, ngay cả lúc trời tối nhưng cứ thấy ghe ai chết máy, dù ở giữa dòng sông, chồng chị cũng đều tắp ghe mình vào để hỗ trợ, kéo ghe bạn vào bờ…
Nói về nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng anh Có, chị Thủy, ông Bùi Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Bình Xuân, tự hào: Bình Xuân là xã anh hùng. Trong chiến tranh, đã có không biết bao người dân của xã anh dũng ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Thời bình này, xã rất tự hào khi những người công dân của xã quên mình cứu người trong nguy khó. “Những ngày qua, theo dõi thông tin trên báo đài biết được vợ chồng anh Có, chị Thủy - là những công dân của xã đã có nghĩa cử cao đẹp, không sợ hiểm nguy tham gia cứu hàng chục hành khách thoát chết tại vụ tai nạn cháy tàu trên sông Sài Gòn tại TPHCM, không chỉ Đảng bộ, chính quyền mà bà con trong xã rất vui, rất tự hào. Truyền thống này sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, trao truyền, lan tỏa cho các thế hệ mai sau.
VÂN ANH