

Ngày 28-3-1986, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Lực lượng TNXP, đồng chí Võ Văn Kiệt, thay mặt Đảng, Nhà nước trao cờ đơn vị Anh hùng lao động cho Lực lượng TNXP TPHCM.
Ngày 11-6, trời Sài Gòn âm u, có lúc mưa rơi tầm tã. Dường như, trời cũng chia sẻ nỗi đau lớn lao của cả nước và đặc biệt của TPHCM: Anh Sáu Dân đã đi xa mãi mãi. Đón Anh ở sân bay, thấy Anh nằm như một ông tiên hiền lành, thanh thản đi vào giấc ngủ ngàn thu, lòng chúng tôi quặn đau, không ai cầm được nước mắt. Đâu có ai ngờ, Anh chia lìa cuộc đời này sớm như vậy. Anh chia lìa người thân, bạn bè, đồng chí không một lời trăn trối!
Với tư cách một người em, một người đồng chí đã từng sống và làm việc với Anh trong những năm tháng cực kỳ khó khăn, thử thách của TP sau ngày giải phóng, tôi viết về Anh do đề nghị của anh em Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Viết về Anh dễ mà khó. Dễ, bởi tôi phần nào nắm bắt ý tưởng xuyên suốt của Anh qua hoạt động thực tiễn cải tạo và xây dựng TP. Khó, bởi tầm vóc của Anh, tôi thật sự không dám và nhận thấy mình không đủ sức viết về Anh. Có lẽ phải mất nhiều năm sau này, khi mọi thứ lắng đọng, các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra những đánh giá khách quan, đầy đủ về Anh.
Ở đây tôi xin đề cập một vài khía cạnh mà tôi tâm đắc nhất.
Anh thật sự là một trong những người khởi xướng của đường lối đổi mới, bắt đầu từ TPHCM. Hồi đó, ai đời TP ở giữa đồng bằng mà không có gạo ăn. Và Anh, với tư cách là Bí thư Thành ủy đã từng đi chạy gạo. Anh đã thấy có cái gì đó không ổn trong quan hệ mua, bán với nông dân: mua như giựt, bán như cho, ngăn sông cấm chợ… Anh lắng nghe và tìm cách tháo gỡ không biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại và kết quả là lưu thông được thông suốt, TP có đủ gạo và chế độ tem phiếu lương thực được bãi bỏ. Đó là một cuộc cách mạng thực sự trong lưu thông phân phối.

Chú Sáu Dân nở nụ cười sảng khoái khi trở lại cung đường Hồ Chí Minh (đoạn tỉnh Quảng Nam) vắt ngang dãy Trường Sơn hùng vĩ (năm 2003). Ảnh: TRUNG TÂM
Là một trung tâm sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhưng lúc đó sản xuất ở TPHCM gần như đình trệ, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, phụ tùng, công nhân sống không nổi phải rời bỏ xí nghiệp đi kiếm sống. Nông dân và nông nghiệp, Anh hiểu nhiều, nhưng công nhân và công nghiệp đối với Anh là vấn đề mới. Anh tự mình đến Nhà máy Dệt Việt Thắng ăn, ở với công nhân hàng tuần lễ để tìm hiểu hết sức cặn kẽ tình hình sản xuất và đời sống công nhân. Anh tìm cách giải quyết điện cho sản xuất. Thủy điện Trị An mang nặng dấu ấn của anh. Anh động viên đồng bằng mang gạo, thực phẩm để nuôi công nhân làm điện. Anh tìm cách giải quyết nguyên liệu, phụ tùng cho sản xuất bằng cơ chế xuất khẩu tam giác: ngân hàng cho vay mua nông sản xuất khẩu, thu được ngoại tệ rồi mua nguyên liệu cho sản xuất và hàng công nghiệp đem về trao đổi để lấy nông sản xuất khẩu. Cái logic tự nhiên này nghe qua có vẻ dễ, nhưng để thực hiện rất dễ “phạm luật”, nhất là chế độ quản lý ngoại tệ lúc bấy giờ. Rất may, là các ngành chịu “làm trái”, còn trách nhiệm thì Thành ủy chịu. Anh đã từng tuyên bố: “Miễn là các đồng chí không bỏ túi, còn nếu chẳng may bị ở tù, thì tôi sẵn sàng mang cơm”. Và thực tế sau này, với cương vị là Thủ tướng, Anh đã từng đem sâm banh vào tù uống với đồng chí của mình. Một nghĩa cử có một không hai!
Nhắc lại một số điều trên đây để nói lên dòng suy nghĩ chủ đạo của Anh trong toàn bộ hoạt động của mình: lấy hiệu quả thực tế làm cơ sở thuyết phục, lấy lợi ích của nhân dân làm trọng, luôn luôn tìm cái mới, không chịu đi lối mòn, quyết tâm làm đến cùng, bất chấp rủi ro về chính trị.
Tôi nhớ trong một hội nghị tổ chức tại Đà Lạt hồi ấy, Tổng Bí thư Trường Chinh sau khi nghe các đồng chí giám đốc, tổng giám đốc ở TP báo cáo tình hình thực tiễn sản xuất kinh doanh, có nói với chị Lý, Giám đốc Dệt Việt Thắng: “Bây giờ tôi mới thấy mầm xanh ở giữa sa mạc”. Kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp đã biến nước ta thành sa mạc, mà đổi mới ở TPHCM là những mầm xanh mới. Anh Võ Văn Kiệt – Anh Sáu Dân – chính là người gieo những mầm xanh. Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta nhất định sẽ được khơi nguồn từ những ý tưởng của Anh.
Tôi rất hạnh phúc được làm việc với Anh.
Đối với tôi, Anh là người cộng sản kiên trung, là nhà cải cách, và là một trong những nhà yêu nước đã kế thừa xuất sắc tư tưởng và đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Với ngàn lần yêu thương, xin vĩnh biệt Anh!
Nguyễn Văn Huấn
(Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM,
nguyên thư ký đồng chí Võ Văn Kiệt thời gian 1975-1983)