Sau ca mổ cắt đi nửa mét ruột vì ung thư đại tràng ngày 5-1-2011, thầy Hoàng Ngọc Hiến (ảnh) không còn hy vọng sống vì hôn mê sâu. Và 11 giờ đêm ngày 24-1 thầy đã lặng lẽ vĩnh biệt cõi trần, hưởng thọ 81 tuổi. Thầy là người sáng lập Trường Đại học viết văn Nguyễn Du.
Tôi là học trò khóa 1 của thầy Hoàng Ngọc Hiến ở trường viết văn, nhưng tôi xin được gọi thầy bằng anh, bởi chính thầy Hiến muốn thế, thích thế.
Với tôi, anh Hoàng Ngọc Hiến là một hiện tượng phê bình sáng giá của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX. Anh thực sự là một nhà “lý luận phê bình mới” với nhiều khám phá. Những cú hích của anh thường làm cho giới lý luận bảo thủ bị sốc, gây ra những cuộc tranh luận khá tốn giấy mực trên văn đàn với những “chủ đề” do anh phát kiến như “văn học phải đạo”, “văn học bước qua lời nguyền”, “văn học kể nội dung và tả nội dung”. Anh đề cao “trí tuệ của trái tim” với quan niệm “phê bình là làm sáng giá cho tác giả và sáng giá cho tác phẩm”. Anh điều chỉnh sự cách tân xô bồ náo loạn vô hướng của văn học hiện tại bằng việc nhấn mạnh “chủ nghĩa cổ điển mới”.
Theo quan sát của tôi thì Hoàng Ngọc Hiến thường đứng ra ngoài các cuộc tranh luận do anh khởi xướng, chỉ khi thật cần, anh mới phát biểu tiếp chính kiến của mình. Còn nói chung anh luôn bỏ lại sau lưng những làn sóng tranh luận phản bác hay ủng hộ, ngợi ca hay quy chụp… để rồi anh lại lẳng lặng chuẩn bị cho một phát kiến mới, một vấn đề tranh luận mới. Đôi khi, anh làm cho những người tranh luận bỗng ngơ ngác khi nhận ra rằng, Hoàng Ngọc Hiến đã vượt thoát khỏi cuộc tranh luận lúc nào không hay. Đó cũng là cách tranh luận của một kẻ cao cường, hay nói cách khác đó là nhân cách lý luận phê bình của Hoàng Ngọc Hiến, không sa vào ma trận mà biết lựa chọn cho mình một tâm thế minh triết. Và người ta ghi nhận anh như một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực: văn học, triết học, văn hóa và giáo dục.
Hoàng Ngọc Hiến không được Hội đồng nào phong học hàm giáo sư, nhưng rất nhiều người trong và ngoài nước gọi anh là giáo sư. Tôi nghĩ đó là một vinh dự lớn của anh, bởi hàm giáo sư của anh đã được một “hội đồng ngoài hội đồng” phong tặng, như một hiển nhiên công nhận. Anh chỉ có một học vị mà quá nhiều người đạt được, đó là học vị phó tiến sĩ được bảo vệ thành công ở Liên Xô cũ (1959).
Là một người sáng tác, tôi nhận được ở anh Hoàng Ngọc Hiến thật nhiều điều quý giá. Lý luận phê bình của anh thường thức tỉnh tư duy sáng tạo của người sáng tác. Anh đánh thức u mê mòn cũ. Anh mở ra những tự do mới cho nhà văn để hướng ngòi bút vào sự thật của thời đại. Bởi anh rất nhạy cảm để phát hiện ra những giọng điệu mới, những “kênh” mới của văn chương và đánh giá nó trên cơ sở lý luận, vốn sống, trực giác và tầm tri thức văn hóa lớn. Vì thế, tôi đọc anh từ Nguyễn Du, Maiakovsky, đến Juylieng và nhận ra ở anh một quá trình vượt thoát từ người trí thức cán bộ đến trí thức bình dân để trở thành một trí thức bình dân bác học.
Hoàng Ngọc Hiến là người đàm đạo về văn chương không biết chán. Khi thì anh say sưa nói về mỹ học – đạo đức học mới, khi thì anh nói về triết học mới Đông Tây, khi thì anh bàn về tính “căn bản văn hóa”, có khi anh nói về Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh… Những câu chuyện của anh bao giờ cũng rút ra điều mới mẻ nhất mà anh đang cảm nhận trên mặt bằng thế giới quan sát được. Phải nói anh là một người đọc xuất sắc.
Nhớ lại 30 năm trước, thời “hậu phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến, cái thời kham khó về cả vật chất lẫn tinh thần, tôi và bạn bè thỉnh thoảng ghé thăm anh ở căn phòng nhỏ trên đường Triệu Việt Vương, Hà Nội. Có lần không tìm được anh, tôi trở lại khu Bốn và viết một bài thơ trên máy chữ gửi anh. Bài thơ như một sự chia sẻ với anh những ngày tháng gian nan, muốn khẳng định, cuộc đời cũng như bài thơ chỉ có một văn bản, chỉ một lần công bố, đó là “Bài thơ không cho phép sửa chữa”. Anh Hiến cũng như bài thơ “chỉ viết một lần”.
Anh từ giã cõi trần, nhưng những cơ sở lý luận của anh luôn gợi mở cho văn học vươn lên đi tìm những giá trị đích thực vì cuộc sống và vì sự phát triển của nó. Vĩnh biệt anh, tôi lặng lẽ tìm lại anh trong hàng ngàn trang sách anh để lại cho đời…
Nguyễn Trọng Tạo
Hà Nội, ngày 25-1-2011