Vốn ngân hàng đổ nhiều vào chứng khoán: đáng lo ngại?

Trong khuyến cáo mới đây với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, việc cho vay mua chứng khoán của ngân hàng ở Việt Nam không được kiểm soát sẽ gây rủi ro lớn cho thị trường chứng khoán (TTCK). Vấn đề đặt ra là đến nay đã có bao nhiêu vốn ngân hàng đổ vào chứng khoán?

Trong khuyến cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đề cập đến những rủi ro có thể xảy ra, IMF nhấn mạnh việc cho vay mua chứng khoán của ngân hàng không được kiểm tra, và luồng vốn đầu tư gián tiếp ngày càng tăng, tiếp tục làm bùng nổ thị trường, làm tăng rủi ro liên quan đến TTCK, ngân hàng và tăng khả năng thị trường có sự điều chỉnh lớn.

“Sự điều chỉnh này có thể sẽ đe dọa đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng thiếu vốn” - ông Il Houng Lee, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cảnh báo.

Ý thức được vấn đề này, từ cuối tháng 1-2007, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo số liệu cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Sau khi tổng hợp, giữa tháng 2-2007, Ngân hàng Nhà nước VN cho biết, tính đến cuối 2006, lượng tiền đổ vào cổ phiếu, trái phiếu chiếm 2,6% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tỷ lệ này tăng chút ít so với đầu năm 2006, do các ngân hàng thương mại cho vay với các công ty chứng khoán trực thuộc.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định cấm ngân hàng cho vay đối với các công ty chứng khoán trực thuộc. Vì vậy, dự báo tỷ lệ kể trên sẽ giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá “tỷ lệ 2,6% là không lớn, chưa đến mức lo ngại”, nhưng từ chối tiết lộ tỷ lệ 2,6% tương đương bao nhiêu tiền.

Tuy nhiên, nếu tính theo một nghiên cứu công bố trên website của Ngân hàng Nhà nước, 2,6% tổng dư nợ nghĩa là tương đương khoảng 3.562 tỷ đồng.

Nghiên cứu này cho hay, năm 2006 tổng dư nợ cho vay ngành ngân hàng tăng 137.000 tỷ đồng - bình quân tăng trưởng cả năm khoảng 19%, trong đó cho vay bằng VNĐ tăng khoảng 126.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đến 31-12-2006.

Nếu loại bỏ các khoản các ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp và góp vốn liên doanh, thì dư nợ cho vay tăng thêm chỉ khoảng 120.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng dư nợ cho vay.

Trong 120.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng tăng thêm trong năm 2006, có khoảng 84.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, vay trung hạn 22.000 tỷ đồng và dài hạn 20.000 tỷ đồng.

Giả sử toàn bộ dư nợ tăng thêm ngắn hạn là để cho vay đầu tư chứng khoán thì cho vay chứng khoán chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ.

“Nhưng trên thực tế, giả thiết này không thể xảy ra, mà mức cho vay sẽ thấp hơn nhiều, cho dù có cả một phần đầu tư cổ phiếu là cho vay trung hạn” - tác giả của nghiên cứu khẳng định.

Tuy nhiên, đó chỉ là số liệu thống kê trên thị trường chính thức, chưa ai tính được lượng vốn ngân hàng đổ vào thị trường OTC.

Tới một thời điểm nào đó, khi TTCK sụt giảm, số nợ này sẽ lộ diện và lập tức trở thành nợ quá hạn, nợ không có khả năng thu hồi.

Hơn nữa, trong “cơn bão” chứng khoán vừa qua, số người dân tìm đến ngân hàng vay vốn ngày càng lớn. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang cho vay kinh doanh chứng khoán với hai hình thức: cho vay cầm cố bằng chứng khoán hoặc tài sản khác; cho vay khi khách hàng đã được khớp lệnh bán.

Số vốn cho vay này không lớn và kiểm soát được. Nhưng trên thực tế, có nhiều khoản vay được khách hàng đề nghị với mục đích sử dụng khác, nhưng thực chất là để kinh doanh chứng khoán.

Mặt khác, cũng đã có hiện tượng một số doanh nghiệp lập dự án, phương án sản xuất - kinh doanh để vay vốn, nhưng vốn này lại được đổ vào chứng khoán...

Không kiểm soát được nguồn vốn ở TTCK, thị trường sẽ tăng trưởng quá “nóng”, nguy cơ đổ vỡ “dây chuyền” ngày càng lớn.

Mới đây, trao đổi với phóng viên SGGP, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, sắp tới, Chính phủ chủ trương sẽ hạn chế và kiểm soát các nguồn vốn tín dụng chuyển sang đầu tư chứng khoán. Dư luận và thị trường đang chờ đợi những biện pháp cụ thể này.

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục