Vụ 10 tấn thịt bò “bẩn” nhập khẩu - Quy định mập mờ hay cố tình tiếp tay?

Mặc dù trong nhiều cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo rất quyết liệt việc ngăn chặn thực phẩm “bẩn” nhưng thực tế các cơ quan chức năng của bộ lại “bật đèn xanh” cho thực phẩm “bẩn” tràn vào nội địa.

Mặc dù trong nhiều cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo rất quyết liệt việc ngăn chặn thực phẩm “bẩn” nhưng thực tế các cơ quan chức năng của bộ lại “bật đèn xanh” cho thực phẩm “bẩn” tràn vào nội địa.

Liên quan tới vụ cơ quan thú y cố tình tiếp tay cho gần 10 tấn thịt bò “bẩn” nhập từ Australia về Việt Nam qua cảng Hải Phòng, trong đó điều khiến dư luận bức xúc là qua 2 lần kiểm tra mẫu đều phát hiện nhiễm khuẩn, có chứa kháng sinh nhưng vẫn được Cục Thú y chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng II (Hải Phòng) lấy mẫu kiểm tra lần 3 để... hợp thức hóa, cho phép doanh nghiệp thông quan, ông Trần Đình Luân, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) trả lời rằng, việc lấy mẫu lần 3 là theo yêu cầu của doanh nghiệp để tránh tổn thất cho họ.

Theo ông Luân, việc lấy mẫu lần 3 vẫn có cơ sở vì đã được quy định tại điểm b, khoản 6, điều 28, Pháp lệnh Thú y năm 2004. Trong đó quy định “trả sản phẩm động vật về nơi xuất xứ hoặc xử lý theo quy định của pháp luật; sau khi xử lý, nếu đạt yêu cầu thì cho nhập khẩu”.

Song điều quan trọng là luật không hề quy định cho phép lấy mẫu kiểm tra lần 3 với những thực phẩm nhập khẩu. Và sau khi đã “linh động” để tạo điều kiện doanh nghiệp thông quan lô hàng thì Cục Thú y lại một lần nữa đưa ra quyết định “linh động” khó hiểu: cho phép chuyển đổi hơn 5,5 tấn thịt được kết luận không đảm bảo (theo kết quả kiểm tra và kết luận lại vào lần thứ 3) sang làm thức ăn cho cá sấu. Khi được hỏi về việc này, ông Luân vẫn tiếp tục dẫn điểm b, khoản 6, điều 28, Pháp lệnh Thú y năm 2004 ra làm căn cứ. Nhưng khi tìm hiểu thì quy định này không có điều khoản nào cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đối với thực phẩm không đạt vệ sinh thú y sang làm thức ăn cho cá sấu cả.

Còn Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông lại giải thích rằng, mặc dù Thanh tra Bộ NN-PTNT bắt buộc phải tái xuất lô hàng vi phạm, song trên thực tế không thể tái xuất được, bởi Australia quy định một khi lô hàng đã xuất ra khỏi lãnh thổ là không nhận lại nữa. Bởi vậy, buộc cơ quan thú y phải xử lý theo hướng... cho cá sấu ăn. Ông Đông lý luận: “Nếu chúng ta cứ yêu cầu doanh nghiệp phải tái xuất mà không tái xuất được, chẳng lẽ cứ để ở cảng cho thối ra cũng không ổn”.

Tuy nhiên, cách trả lời như vậy cũng không thuyết phục bởi Cục Thú y “quên” rằng luật quy định các trường hợp thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh trong trường hợp không thể tái xuất thì buộc phải tiêu hủy. Chính điều này đã được quy định tại văn bản 1574 ngày 18-9-2009 hướng dẫn về quản lý, giám sát, xử lý, tiêu thụ sản phẩm động vật đông lạnh, ướp lạnh nhập khẩu làm thực phẩm do chính Cục Thú y ban hành đã nêu rõ, sản phẩm không đạt vệ sinh thú y buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy. Như vậy, việc chuyển đổi rõ ràng là sai phạm. Và chính ông Luân cũng tiết lộ: “Không chỉ lô hàng của Công ty TNHH Thực phẩm cao cấp Hà Nội mà mọi doanh nghiệp khác đều vậy”!

Tuy nhiên, liên quan tới việc sau khi cho phép chuyển đổi hơn 5,5 tấn thịt bò “bẩn” cho Công ty Cá sấu Việt Nam mà Cơ quan Thú y vùng II đã buông lỏng khâu giám sát hàng ngày, chỉ căn cứ vào phiếu xuất kho của công ty nuôi cá sấu để cho rằng số thịt “bẩn” đã đem cho cá sấu ăn (chứ không có việc tuồn ra bên ngoài - PV), ông Luân cho biết: “Sẽ chấn chỉnh anh em dưới đó”.

Trần Phúc

Thông tin liên quan

- Hài hước thịt “bẩn”

- Cơ quan chức năng tiếp tay cho thịt bò bẩn

Tin cùng chuyên mục