Tại hội thảo quốc tế về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng mới và cơ hội đầu tư tại Việt Nam diễn ra ngày 26-3 tại TPHCM, nhiều chuyên gia môi trường quốc tế khẳng định, vũ khí hữu hiệu nhằm chống biến đổi khí hậu là phát triển ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tính đến năm 2010, đã có hơn 200 tỷ USD của các nước đầu tư cho lĩnh vực này. Thế nhưng, nhìn lại nước ta, ngành năng lượng mới còn chưa được khởi động.
Doanh nghiệp băn khoăn
Ông Trịnh Quang Dũng, Viện Khoa học công nghệ TPHCM cho biết, với tốc độ phát triển công nghiệp hiện nay thì nguồn dầu sẽ bị cạn trong vòng 40 năm nữa, khí gas là 60 năm và uranium là 70 năm. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã và đang dồn sức vào đầu tư cho ngành năng lượng mới.
Cụ thể, năm 2006, số vốn đầu tư toàn thế giới vào ngành năng lượng đạt 64 tỷ USD. Đến năm 2008, số tiền này đã tăng lên 121 tỷ USD và tháng 2-2010 tăng đến 200 tỷ USD. Dẫn đầu về sản lượng điện từ năng lượng tái tạo thuộc về Trung Quốc, kế đến mà Mỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản… Tại khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Philippines, Campuchia…
Còn tại nước ta – một trong những nước có tài nguyên gió và nắng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, việc phát triển năng lượng mới vẫn chưa khởi động.
Lý giải cho thực tế trên, ông Trần Tuấn Ân, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân cho biết, hiện công ty đang đầu tư một số dự án sử dụng năng lượng mặt trời tại đảo Phú Quý và một số tỉnh thành khác. Tuy nhiên, việc đầu tư cũng gặp rất nhiều khó khăn do giá thành đầu tư cao trong khi ngân sách các tỉnh thành có giới hạn.
Còn việc đầu tư vào sản xuất panel năng lượng mặt trời phục vụ cho nhu cầu sử dụng điện mặt trời của các doanh nghiệp, hộ gia đình thì công ty chưa dám do không tiêu thụ được. Người dân, doanh nghiệp vẫn rất e dè khi chọn sử dụng năng lượng mặt trời trong sinh hoạt hoặc sản xuất vì giá thành đầu tư quá cao, khoảng 6 USD/kWh.
Vừa qua, Chính phủ đã hứa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn ODA, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp tư nhân nào thực sự tiếp cận được với nguồn vốn này.
Gỡ rối từ chính sách
Ông Carlos Domínguez Agullerio, Trưởng văn phòng Thương mại và Kinh tế của Tây Ban Nha cho biết, hiện Tây Ban Nha đang là một trong tốp 10 nước dẫn đầu trên thế giới về phát triển ngành năng lượng tái tạo. 25/50 nhà máy sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới là của Tây Ban Nha. Để làm được điều này, nhất thiết nhà nước phải xây dựng một hành lang pháp lý về vấn đề sử dụng điện sạch. Đặc biệt là phải xây dựng chính sách ưu đãi về thuế và giá đối với loại điện sạch này.
Ông Trịnh Quang Dũng cho biết thêm, sở dĩ 100% người dân tại nước Israel sử dụng năng lượng điện mặt trời là vì nhà nước Israel có chính sách hỗ trợ 50% chi phí đầu tư ban đầu. Hiện Bộ Công thương nước ta đưa ra mục tiêu đến năm 2020, sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 5%/tổng cơ cấu sử dụng năng lượng, nhưng đây là điều không tưởng.
Giáo sư Cao Minh Thì, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam khẳng định, cái thiếu quan trọng nhất để có thể phát triển ngành năng lượng mới tại nước ta là chính sách. Hiện Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đang tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Hy vọng trong một thời gian không xa, luật tiết kiệm năng lượng ra đời sẽ tạo cú huých cho ngành năng lượng mới nước ta phát triển.
ÁI VÂN