Vụ nghi xả nước mặn ở Thái Bình: Hỗ trợ nông dân, phục hồi đồng ruộng

Sau vệt thông tin của Báo SGGP phản ánh hiện tượng lúa chết hàng loạt ở xã An Tân (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) khiến cả ngàn hộ dân gần như mất trắng mùa màng, vấn đề quan trọng hiện nay là cần sớm hỗ trợ lương thực cho bà con nông dân, để họ không “đứt bữa” và tìm ra giải pháp tháo chua rửa mặn, phục hồi đồng ruộng.

Không để bà con phải ăn đong thóc gạo

Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình vừa tiếp tục có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ NT-PTNT, UBND tỉnh Thái Bình và Báo SGGP để thông tin về việc chính quyền địa phương đã thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất, trồng trọt vụ hè thu và đông xuân 2023 tại xã An Tân; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các hộ dân có lúa và hoa màu chết bất thường, để người dân sớm ổn định sản xuất và cuộc sống.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, cho biết, về việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại, các đơn vị chức năng đã bàn rất nhiều phương án.

“Trong văn bản báo cáo UBND tỉnh, chúng tôi đề xuất giao Sở TN-MT kiểm tra, đánh giá lại đất xem độ nhiễm mặn như thế nào để có cơ sở hỗ trợ. Sở cũng đề xuất vận dụng Nghị định 02 (Nghị định số 02/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh), xác định nguyên nhân lúa chết. Giả sử do thiên tai, nhiễm mặn thì vận dụng Nghị định 02 để có chính sách hỗ trợ cho những vùng lúa bị thiệt hại”.

Bà Lê Thị Thiếm nhổ khóm lúa chết do nước mặn xâm nhập tại phần ruộng nhà mình

Bà Lê Thị Thiếm nhổ khóm lúa chết do nước mặn xâm nhập tại phần ruộng nhà mình

Trong công văn gửi Báo SGGP do ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, ký, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình tiếp tục khẳng định, công tác tưới - tiêu thủy lợi ở huyện Thái Thụy trong thời gian qua vẫn tuân thủ đúng quy định.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình (Công ty Bắc Thái Bình) đã lấy nước tưới đúng quy trình vận hành, như kiểm tra độ mặn, phân công cán bộ, công nhân kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lấy nước vào hệ thống; đảm bảo độ mặn bằng hoặc dưới 0,6% nên không thể để nước mặn xâm nhập vào nội đồng.

Nguyên nhân lúa chết là do đất chua mặn được cải tạo (chua mặn tiềm tàng) gặp thời tiết khô hạn nên gây hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn, dẫn đến tái mặn. Trong khi đến thời điểm này, người dân ở địa phương vẫn tiếp tục cho rằng, lúa chết là do để nước mặn tràn vào nội đồng qua cống Cao Cổ, xã An Tân.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ thực hiện giải pháp gì để sớm giúp bà con cải tạo, phục hồi đồng ruộng, đảm bảo có thể tái canh tác vụ hè thu và đông xuân 2023. Bởi trước tình trạng lúa và hoa màu chết hàng loạt, chi phí đầu vào (giống, phân bón, công thuê gieo cấy, cày bừa…) ngày càng tăng cao, lúa vẫn có thể chết nếu còn nhiễm mặn, khiến bà con không dám xuống giống, đồng nghĩa thất thu còn dài…

Cứu đồng ruộng, tạo niềm tin và an dân

Về vấn đề này, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, Công ty Bắc Thái Bình đang xây dựng phương án tháo chua, rửa mặn cho đồng ruộng của 2 xã An Tân và Hồng Dũng (huyện Thái Thụy). Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình cũng đã tổ chức tập huấn cho các bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các ban ngành của xã An Tân về công tác gieo cấy vụ hè thu 2023…

Còn theo ông Đỗ Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Bắc Thái Bình, tại 2 xã Đông Long và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) từng 2 năm liên tục bị hiện tượng này, đã được xử lý thành công. Nguyên tắc xử lý phải bơm nước tháo chua, rửa mặn kịp thời, liên tục và phải kết hợp với nhiều yêu cầu khác, chứ không chỉ mỗi bơm nước. Như ở huyện Tiền Hải, bà con phải cào sục đất để lượng bùn nổi lên 5-10cm, sau đó kết hợp rải vôi bột, kali thì mới xử lý được.

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Lê Ngọc Huyên, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thái Thụy, cho biết, trên cơ sở khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, xí nghiệp đã xây dựng phương án trong thời gian tới tổ chức 3 đợt tháo chua, rửa mặn. Việc tháo chua, rửa mặn khá tốn kém, nhưng cần triển khai để cứu ruộng đồng, giúp bà con sớm yên tâm, tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

Theo ông Huyên, các khoản chi phí xử lý mặn được xí nghiệp xây dựng trên cơ sở đề nghị của các ngành chức năng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ đến bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào chính sách của tỉnh Thái Bình.

Theo phương án mà xí nghiệp này đưa ra, với HTX Thụy Tân (xã An Tân), đợt 1, tổng diện tích cần tháo chua, rửa mặn là 172ha, sử dụng 2 trạm bơm với 3 máy bơm (nước ngọt) cả ngày. HTX sẽ chỉ đạo nông dân rải vôi bột, ngâm 2-3 ngày, sau đó mở hết các đầu kênh, đóng cống Cái và cống Yên, tiêu thoát bằng cống Cao Cổ và cống Cháy để thoát kiệt nước trên mặt ruộng, lòng kênh.

Đợt 2, HTX tiếp tục khoanh vùng 2 trạm bơm, bơm 3-4 ngày, ngâm 3-4 ngày và tiêu kiệt mặt ruộng cũng như lòng kênh. Đợt 3, lấy nước tự nhiên và bơm tháo chua, rửa mặn trước khi cấy.

Dự kiến từ ngày 20-7, lúa cấy xong sẽ được tưới dưỡng. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thái Thụy cũng kiến nghị, UBND huyện và 2 xã An Tân, Hồng Dũng chỉ đạo 2 HTX Thụy Tân và Thụy Dũng hướng dẫn bà con cày lật đất hoặc lồng dập 100% diện tích, dùng vôi bột, phân lân Lâm Thao và NPK bón rải cải tạo đất chua mặn.

Tin cùng chuyên mục