Vừa chống ngập vừa thêm nguồn lực cho cấp nước

Vừa chống ngập vừa thêm nguồn lực cho cấp nước

Tái sử dụng nước mưa

Việc triển khai thu gom và tái sử dụng nước mưa có thể giúp TPHCM giải quyết vấn đề ngập do các trận mưa lớn cũng như giúp ngành cấp nước giảm áp lực cấp nước cho cư dân TP, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm hai vấn đề trên thêm trầm trọng.

Sự chọn lựa của nhiều nước

Theo PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… là những quốc gia tiên phong trong việc tái sử dụng nước mưa. Họ xây những bể ngầm chứa nước lớn cũng như vận động người dân xây bể trữ nước trong nhà để mỗi khi mưa tới, nước mưa được đưa vào đấy. Với cách làm này, hàng triệu mét khối nước mưa đã được trữ lại, thay vì đổ hết vào hệ thống cống làm hệ thống này quá tải, gây ngập cho TP. Sau cơn mưa, nước trong các bể sẽ lần lượt được tháo bớt ra để chuẩn bị trữ nước cho cơn mưa sau hoặc sẽ được giữ lại hoàn toàn để tưới cây, rửa xe…

Theo PGS-TS Hồ Long Phi, kinh nghiệm này đã được chia sẻ tại TPHCM và Văn phòng thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM cũng đã làm một nghiên cứu xung quanh vấn đề này. Ngoài những ưu điểm của việc tái sử dụng nước mưa đã được các nước chứng minh, kết quả nghiên cứu của Văn phòng thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM còn cho thấy một điều rất thú vị, đó là nước mưa tại TPHCM cơ bản rất sạch: không bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng, chất hữu cơ đa vòng, chất phóng xạ (α, β) mà chỉ thường bị nhiễm bẩn bởi các vi sinh (coliforms) và bị đục là chủ yếu. Do đó, nước mưa ở TP có thể dễ dàng được xử lý với chi phí rẻ để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau tùy vào yêu cầu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi hiện nay ở một số khu vực, nước sạch cung cấp cho người dân chưa đủ. Nước mưa sạch, nếu được giữ lại có thể sẽ giúp người dân giải quyết nhu cầu thiếu nước sạch. Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng biến đổi khí hậu TPHCM đã ước tính, chỉ cần một triệu hộ dân của TPHCM hưởng ứng việc xây bể trữ nước dung tích 1m³ trong nhà, thì đã có 1 triệu m3 nước mưa được giữ lại và điều này cũng đồng nghĩa, ngành cấp nước sẽ bớt phải sản xuất ra số nước tương ứng, bởi người dân có thể dùng nước mưa cho một số nhu cầu thay vì sử dụng nước sạch. Chỉ có một vấn đề, TPHCM có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Vào mùa nắng, bể nước không phát huy được tác dụng sẽ làm cho một số người không mặn mà với việc xây bể nước trong nhà. Một vấn đề nữa đối với TPHCM: nếu không tính toán cẩn trọng, không tiến hành khảo sát hiện trạng các tầng nước ngầm cần bổ sung nguồn nước thì việc thu gom nước mưa sẽ làm giảm lượng nước bổ cập cho các tầng nước ngầm và dẫn đến hiện tượng sụt lún đất. Việc bổ cập nước ngầm là một giải pháp cần thiết để ngăn ngừa sụt lún đất tại khu vực trung tâm TP, nơi có mật độ bê tông hóa cao khiến nước mưa không thấm tự nhiên được xuống các tầng nước ngầm.

Hệ thống thoát, giữ nước bên đường Nguyễn Văn Linh giúp thoát nước trên đường khi mưa (Ảnh: CAO THĂNG)

Bộ Xây dựng và các sở, ngành phải vào cuộc

Là một trong những chuyên gia về quy hoạch và quản lý quy hoạch, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhận xét, tái sử dụng nước mưa là một trong những giải pháp chống ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu khả thi cả về mặt môi trường lẫn kinh tế.

Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, đến khoảng thời gian này, dân số TPHCM mới khoảng 10 triệu người. Tuy nhiên hiện nay, số dân TP đã ngấp nghé con số nêu trên, chưa kể số người dân nhập cư mà TP chưa thống kê hết. Với mức gia tăng dân số này, sự quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống thoát nước nói riêng là đương nhiên. Chưa kể, dưới tác động của biến đổi khí hậu với những cơn mưa lớn ngày càng nhiều, hệ thống cống thoát nước dù có được xây dựng mới với thiết kế lớn hơn (như đã và đang xây) cũng khó theo kịp yêu cầu cần phải có.

Chính vì vậy, kêu gọi mọi người tham gia cùng chia sẻ gánh nặng chống ngập đối với TP là việc cần làm, nhất là đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có đầu tư xây dựng công trình làm thu hẹp diện tích đất có thể thẩm thấu nước đồng thời làm tăng nhu cầu thoát nước. Việc xây dựng bể chứa nước tại các công trình của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và ngay tại nhà dân cần được triển khai ngay.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này, TPHCM phải làm việc với Bộ Xây dựng, đề nghị bộ nghiên cứu ban hành các quy chuẩn buộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng bể chứa nước. Kinh phí xây bể được tính vào chi phí xây dựng công trình. Tương tự, đối với nhà dân, Bộ Xây dựng cũng nên đưa ra quy định: khuyến khích xây bể chứa nước tại nhà khi cấp phép xây dựng cho người dân. “Phải một mặt tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp, tổ chức xây bể chứa nước, mặt khác đưa ra yêu cầu bắt buộc, thì việc xây bể chứa nước chống ngập và hỗ trợ cho cấp nước mới thành công được”, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa nói.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục