
Ngày 24-7-2007, tại tòa nhà Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (LTTP) và CLB Nước chấm TPHCM đã tổ chức lễ công bố nước tương sạch và an toàn. Để người tiêu dùng rõ hơn về công nghệ sản xuất nước tương sạch, chúng tôi ghi lại ý kiến của ông Nguyễn Chí Nguyện, Tổng Thư ký Hội LTTP TPHCM, về vấn đề này.
Trách nhiệm của Hội LTTP trong vụ nước tương “đen”

Các đại biểu đang thử các sản phẩm nước tương trong lễ công bố nước tương sạch.
Từ 2005, Hội LTTP TPHCM đã tổ chức họp báo và đã cảnh báo cho các doanh nghiệp sản xuất nước tương về hàm lượng chất 3-MCPD trong nước tương. Và Hội cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp không đảm bảo về an toàn vệ sinh và chất lượng thì phải ngưng sản xuất.
Tuy Hội LTTP TPHCM là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên nhưng vấn đề sức khỏe người tiêu dùng và đạo đức kinh doanh luôn được Hội đặt lên hàng đầu.
Dù đã được cảnh báo từ năm 2005 nhưng đến năm 2007 vụ việc mới được giải quyết do nhiều lý do: Nếu áp dụng công nghệ mới ngay thời điểm đó thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về nhiều mặt: vốn đầu tư để chuyển đổi công nghệ, mặt bằng sản xuất, trình độ tay nghề công nhân… sản xuất nước tương sạch theo công nghệ mới sẽ làm thay đổi khẩu vị người tiêu dùng (trường hợp này một vài doanh nghiệp đang gặp phải).
Tuy vậy, đến khi một lô hàng nước chấm bị nước ngoài trả về, người tiêu dùng mới quay lưng lại với nước tương vì sợ chất gây ung thư. Hàng bị trả về, phải đem đi tiêu hủy, lại phải đóng tiền tiêu hủy… hầu hết các doanh nghiệp đều khốn đốn.
Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp chỉ còn cách ngồi lại với nhau chung sức, chung lòng và chung trí để tìm giải pháp vượt qua khó khăn dưới một tổ chức là Hội LTTP TPHCM. Hội kết hợp với CLB Nước chấm TPHCM đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với Viện Phát triển Công nghệ và Đào tạo nhằm triển khai bước đầu quy trình sản xuất nước tương sạch cho 21 doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh bạn như: Cơ sở chế biến thực phẩm Bách Thảo, Cơ sở Nước chấm Bông Mai, Công ty CP Thực phẩm Gò Vấp, Cơ sở Kim Thanh, Minh Thành, Lợi Ký…
Và Hội cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể là: Cung cấp những thông tin chính xác nhất cho báo, đài và người tiêu dùng thông qua những buổi tọa đàm, hội thảo, họp báo giới thiệu sản phẩm… để người tiêu dùng biết nước tương có 3-MCPD là như thế nào, nó ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe; sản phẩm nào có chất 3-MCPD, sản phẩm nào có 3-MCPD nhưng có thể dùng được vì trong hàm lượng cho phép. (Một đơn vị thường có nhiều loại sản phẩm, nhưng không phải sản phẩm nào cũng có chất 3-MCPD vượt ngưỡng. Vì thế, từ một sản phẩm có chất 3-MCPD lại quy kết cho tất cả sản phẩm của một doanh nghiệp là không nên, sự ngộ nhận này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp).
Trách nhiệm của Hội trước việc này là đề nghị chính quyền, các cơ quan quản lý hỗ trợ cơ chế, hỗ trợ bằng những biện pháp khả thi cho các doanh nghiệp. Kêu gọi các nhà khoa học, các trường, các viện nghiên cứu cung cấp những thông tin về công nghệ có thể áp dụng để sản xuất nước tương sạch. Tập hợp các doanh nghiệp có đủ khả năng nhận chuyển giao công nghệ đó. Đồng thời, tổ chức sản xuất thử; bầu ra hội đồng để đánh giá về mặt cảm quan, rồi đi kiểm nghiệm xin cấp giấy chứng nhận về an toàn, tổ chức công bố.
Vì sao chỉ có hơn 20 đơn vị công bố sản xuất theo công nghệ mới
Vào lúc 13 giờ 30 ngày hôm nay, 26-7-2007, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân sẽ có buổi làm việc với Hội LTTP để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Hội. Nguyện vọng chính yếu của Hội là muốn thành lập một làng nghề tiến tới thành lập Công ty CP thuộc Hội LTTP. |
Để cứu ngành nước tương, Hội LTTP TPHCM phải chứng tỏ được những cam kết, uy tín và danh dự của Hội. Vì mỗi sản phẩm của doanh nghiệp đều có gắn logo đã được đăng ký bản quyền tác giả của Hội LTTP.
Doanh nghiệp bao giờ cũng có sự lựa chọn. Nếu vào Hội chỉ để đóng tiền lệ phí, họp, gặp nhau chỉ để… vỗ tay họ sẽ không tham gia vì với doanh nghiệp thời gian là vàng. Nhưng nếu thấy có lợi họ sẽ tham gia. Trong buổi lễ chỉ có hơn 20 đơn vị công bố sản xuất theo công nghệ mới. Các doanh nghiệp khác đã bắt đầu thấy được rằng họ cần có Hội. Hội là chỗ dựa khi doanh nghiệp gặp khó khăn.
Nếu là một doanh nghiệp cá thể sẽ không đủ sức để tiếp nhận cả một công nghệ, tổ chức sản xuất thử, đánh giá… Hội đang tiếp nhận 2 phương pháp: hóa giải và lên men kết hợp hóa giải. Ưu điểm của công nghệ do Viện Phát triển Công nghệ và Đào tạo chuyển giao là: Vệ sinh an toàn thực phẩm; chu kỳ để ra một mẻ nước tương đáp ứng được yêu cầu về thời gian; khẩu vị đánh giá bằng cảm quan là chấp nhận được (đạt khoảng 75% đến 85% so với trước).
Sau khi các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, Hội sẽ thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất của các doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng. Hội cũng đã phát mẫu đăng ký sử dụng logo FFA (đã đăng ký bản quyền) cho các đơn vị thành viên áp dụng công nghệ mới.
Tiến Lợi