Vui buồn xe buýt

Đã 3 năm nay, đi đâu trong TPHCM tôi cũng đi bằng xe buýt. Chứng kiến nhiều chuyện vui buồn trên xe buýt, tôi kể lại với mong muốn chia sẻ với mọi người về thực trạng văn hóa xe buýt hiện nay.
Vui buồn xe buýt

Đã 3 năm nay, đi đâu trong TPHCM tôi cũng đi bằng xe buýt. Chứng kiến nhiều chuyện vui buồn trên xe buýt, tôi kể lại với mong muốn chia sẻ với mọi người về thực trạng văn hóa xe buýt hiện nay.

Nhắm mắt, lặng thinh, không muốn làm người tốt

Mới gần đây thôi, hôm ấy là sáng đầu tuần, trên xe buýt số 8 lộ trình Đại học Quốc gia - Bến xe quận 8, xe đông nên tôi lên xe ở trạm thứ 3 mà đã phải đứng. Xe tới Đại học Sư phạm kỹ thuật thì có một bé trai chừng 4 tuổi, gầy nhom, đen nhẻm cùng một phụ nữ bế một cháu nhỏ chừng vài tháng tuổi lên xe. Anh lơ xe nói to nhắc hành khách nhường ghế. Một chàng trai đứng lên nhường ghế. Người phụ nữ bế con nhỏ ngồi xuống. Nhưng cháu bé con trai của chị vẫn chưa có chỗ ngồi. Ghế bên cạnh đang có một nữ thanh niên tóc uốn, da trắng, khá xinh, đang cầm điện thoại nhắn tin. Cô ấy nhìn đứa bé bằng ánh mắt phân vân, rồi quay đi nhắm mắt lại tỉnh queo vờ ngủ.

Hôm khác, tôi cũng lại đi trên tuyến xe buýt số 8 - tuyến xe thường rất đông khách vào giờ cao điểm, nên kẻ móc túi hay trà trộn lên xe để rình rập ra tay. Sau một ngày vất vả, tôi mệt lả người, nhưng vẫn cảnh giác nên tôi quàng ngược ba lô ra trước ngực, ôm vào lòng cho yên tâm nhắm mắt một tí.

Chỉ khoảng 5 phút qua đoạn từ Suối Tiên tới ngã tư Thủ Đức, tôi giật mình dậy. Thấy đường còn khá xa, nên tôi định mở điện thoại ra nghe nhạc. Điện thoại tôi để ngăn nhỏ trong ba lô, có khóa kéo cẩn thận. Vậy mà lục tìm khắp ba lô một hồi vẫn chẳng thấy điện thoại đâu, mới hay ba lô có một đường rạch dài.

Tôi hốt hoảng nhìn khắp xe, mới hay nhiều người đang lặng yên nhìn mình rồi đưa mắt dừng lại ở một người đàn ông ăn mặc lịch sự, đội nón, quàng áo khoác trên tay, đang đứng ngay cửa sau. Tới trạm, cửa mở, ông ấy bước xuống. Tôi ấm ức, thầm trách các hành khách trên xe, sao thấy kẻ gian lấy cắp điện thoại của tôi mà không ai lên tiếng giúp mình. Nhưng rồi tôi chợt nhớ lại, lần trước chính tôi cũng đã chứng kiến có người bị móc túi lấy cắp điện thoại ngay trước mặt mình. Lúc đó tôi cũng đã im lặng, vì sợ bị vạ lây.

Nhiều người dân TPHCM quen với việc đi lại bằng xe buýt. Ảnh: THANH HẢI

Nhiều người dân TPHCM quen với việc đi lại bằng xe buýt. Ảnh: THANH HẢI

Có nhiều lần, khi đi trên tuyến xe buýt số 19 (Bến Thành - Đại học Quốc gia), tôi hay thấy có một ông bán dạo, rao bán dây chuyền, mặt dây chuyền, vòng tay, lắc chân, nhẫn được làm bằng… “bạc cao cấp” nhưng bán với giá chỉ 20.000 đồng/sản phẩm. Ngày nào lên xe cũng nghe ông ấy thuyết phục hành khách: “15 ngày khuyến mãi cuối cùng nên mới có giá rẻ như vậy thôi!”. Nửa tháng sau, rồi một hai tháng sau vẫn nghe ông ấy nói câu: “15 ngày khuyến mãi cuối cùng”. Chẳng hiểu sao dù đã cấm mà tình trạng bán hàng rong trên xe buýt vẫn cứ diễn ra. Chưa nói tới chuyện bán hàng giả, lừa những người nhẹ dạ, việc bán trên xe buýt chật chội cũng đã làm phiền tới hành khách trên xe rồi. Thế nhưng hình như ai cũng thỏa hiệp, làm lơ.

Chưa hình thành nếp văn hóa xe buýt

Tôi lên tuyến xe buýt số 24 đi từ chợ Bà Chiểu về tới siêu thị Văn Lang. Lên cùng trạm với tôi, có một bà cụ bán vé số già yếu, mắt mờ đục. Thỉnh thoảng tôi cũng đã gặp bà cụ cùng chờ xe buýt ở trạm này. Lần nào bà cụ lên xe buýt, anh lơ xe đều ân cần đỡ cụ lên. Nhưng chuyện mà tôi áy náy là cụ vẫn phải bỏ tiền ra để đi xe buýt, mặc dù xe buýt ở TPHCM có chế độ miễn vé cho hành khách là người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi và người già trên 80 tuổi.

Tôi thắc mắc hỏi mới biết thì ra bà cụ không có giấy tờ gì để chứng minh mình trên 80 tuổi. Tôi kinh ngạc, lẽ nào nhà xe không nhận biết được là bà cụ quá già yếu hay sao mà đòi phải có giấy tờ chứng minh. Chuyện người già, người khuyết tật đi xe buýt vẫn phải trả tiền không phải là hiếm. Vì họ không mang theo giấy tờ gì để “chứng minh”.

Khi đi xe buýt tuyến 52, lộ trình từ ký túc xá Đại học Quốc gia về Nhà văn hóa Thanh niên TP, thỉnh thoảng tôi gặp một bác tài cực kỳ dễ thương. Bác lái xe cẩn thận, nói chuyện vui vẻ, ân cần với hành khách. Ai hỏi đường, hỏi trạm xuống, đều được bác trả lời, chỉ dẫn rất nhiệt thành. Nhưng tiếc là trên các xe buýt ở TPHCM hiện nay có ít bác tài như vậy. Còn lại, đa số các bác tài khác và cả các nhân viên bán vé xe, đều rất khó chịu. Biết rằng lái xe là một việc căng thẳng, mệt mỏi, vất vả và nguy hiểm nhưng nếu tài xế cứ khó chịu, cộc cằn với hành khách trên xe thì càng làm cho tình trạng xấu thêm thôi.

Tôi lên tuyến xe buýt số 8 trở về Thủ Đức. Giờ cao điểm đông khách, chen chúc lắm mới lên được cái bậc cửa. Trả tiền xe buýt xong, tôi với tay tìm cái móc vịn mà không có. Nhìn lên mới hay trên thanh ngang chỉ còn treo 5 - 7 cái móc vịn chiếu lệ, trong khi số hành khách đang phải đứng trên xe tới 15 - 16 người.

Ai muốn vịn để khỏi ngã thì phải với tay lên thanh ngang phía trên, hoặc vịn vào kệ để hành lý cũng ở tít trên cao. Không với tới những chỗ đó, nên mấy lần xe thắng, tôi lại bị chúi người, may mà xe đông nên có muốn ngã cũng không có chỗ để ngã. Do đã đưa vào sử dụng nhiều năm, nhiều xe buýt đã xuống cấp, ghế ngồi xập xệ. Tay ghế thì cái gãy, cái bể. Móc vịn dành cho người đứng đã đứt rơi gần hết. Và các cánh cửa tự động cho hành khách lên xuống lúc nào mở cũng kêu ken két. Mở chậm, đóng nhanh làm không ít người gặp nguy hiểm khi lên xuống.

Đã tới lúc phải xem xét việc nâng cấp những xe buýt hư cũ, cũng như phải nâng cấp văn hóa đi xe buýt của người dân mình.

HOÀI BÃO

Tin cùng chuyên mục