Vui cùng dư âm tết

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2016 của các trường học kéo dài hơn nửa tháng, lâu hơn so với những năm trước. Nhưng trái với lo lắng của nhiều người, ngày học đầu tiên của năm mới ở tất cả bậc học đã diễn ra trong không khí sôi nổi, vui vẻ.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2016 của các trường học kéo dài hơn nửa tháng, lâu hơn so với những năm trước. Nhưng trái với lo lắng của nhiều người, ngày học đầu tiên của năm mới ở tất cả bậc học đã diễn ra trong không khí sôi nổi, vui vẻ.

Tỷ lệ học sinh vắng mặt hoặc đi học trễ không nhiều, có nơi lớp học đảm bảo 100% sĩ số. Trong buổi sinh hoạt đầu năm, các trường đều tổ chức cho học sinh chúc tết thầy, cô giáo, kể cho nhau nghe về những chuyến đi chơi, về quê thăm họ hàng trong thời gian nghỉ lễ.

Riêng ở bậc mầm non, năm nay tình trạng học sinh đi học trễ, quấy khóc không chịu vào lớp giảm hẳn so với mọi năm. Chị Nguyễn Tâm, phụ huynh có 2 con đang học một trường mầm non tư thục ở quận Gò Vấp TPHCM, cho biết, do được ba mẹ chuẩn bị sẵn tâm lý trong những ngày còn nghỉ tết, cộng thêm việc được cô giáo đích thân gọi điện nhắc việc soạn cặp, đi học trở lại vào buổi tối cuối cùng trong kỳ nghỉ lễ nên ngay từ 6 giờ sáng mùng 8 Tết, 2 bé nhà chị đã tự giác thức dậy sớm, hối ba mẹ chở đến trường để được gặp bạn bè và cô giáo. Bên cạnh đó, hầu hết các trường đều cố gắng giữ lại không khí tết với mai, đào khoe sắc, cô trò cùng nhau chơi một số trò chơi với phần thưởng là những bịch mứt dừa ngọt lịm để tăng thêm hứng thú cho học sinh trong ngày học đầu năm. Cách làm đó đã giúp các em mau chóng hòa nhập lại với môi trường lớp học sau mười mấy ngày ở nhà cùng ba mẹ.

Ngoài ra, trong những tiết học đầu năm, nhiều thầy cô cho biết đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện giáo dục học sinh. Cô Đào Hồng Nhung, giáo viên một trường tiểu học ở quận Thủ Đức TPHCM, cho biết do trong mấy ngày nghỉ tết, các em được bà con, họ hàng lì xì khá nhiều tiền. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, thay vì khuyên học trò không nên chi tiêu tùy tiện, đổ hết tiền bạc vào những món đồ chơi đắt tiền nhưng “chơi vài lần là chán” thì năm nay, cô giáo trẻ chọn cách trình chiếu cho học sinh xem đoạn video clip về những người nghèo đón tết. “Chỉ khi cảm nhận được sự đáng thương, đói ăn thiếu mặc của những người kém may mắn, các em mới hiểu được giá trị những gì mình đang có. Từ đó, tôi hướng suy nghĩ các em vào việc để dành tiền, chi tiêu vào những việc hợp lý như đóng học phí, mua sắm dụng cụ học tập để đỡ gánh nặng cho ba mẹ”, cô Nhung cho biết. Bên cạnh đó, đối với học sinh ở các bậc học cao hơn, thông qua những câu chuyện các em kể về kỳ nghỉ tết, giáo viên sẽ lồng ghép nhiều bài học về văn hóa, hướng các em vào những hoạt động tín ngưỡng lành mạnh để tết thật sự trở nên có ý nghĩa.

Có thể nói tết hàng năm không chỉ là dịp học sinh được nghỉ học, trường lớp đóng cửa “xả hơi” để chuẩn bị cho những “cuộc đua” tốt hơn trong năm mới mà còn là dịp giúp học sinh nhớ về nguồn cội, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước và đặc biệt giúp các em có thêm nhiều bài học kỹ năng sống như cách hiếu kính với ba mẹ, chi tiêu tiền hợp lý, chia sẻ với người gặp khó khăn… Chính nhờ cách làm đó đã giúp ngày tết dù đã qua nhưng dư âm vui tươi của nó vẫn tồn tại, trở thành kỳ nghỉ lễ được học sinh chờ đợi nhất trong năm học.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục