Vừa qua, học sinh tại nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TPHCM đã hòa mình vào những ngày hội xuân ý nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc. Với việc vận dụng các trò chơi dân gian, khuyến khích học sinh mặc áo dài, không khí xuân càng trở nên đặc biệt và rộn ràng hơn bao giờ hết.
Nhộn nhịp trò chơi dân tộc
Sáng 3-2, hơn 400 học sinh Trường Mầm non Thế giới tuổi thơ ở hai chi nhánh Gò Vấp và Thủ Đức đã có ngày học cuối năm rộn rã tiếng cười. Ngoài các hoạt động tổ chức văn nghệ, tham quan gian hàng ẩm thực, khu vực thu hút nhiều học sinh tham gia nhất chính là nơi tổ chức các trò chơi dân gian như xếp cào cào bằng lá chuối, chơi đập niêu, lùa vịt, gánh bánh chưng qua cầu khỉ... Ái Minh, học sinh lớp Én 3, cơ sở Gò Vấp, cho biết: “Con rất thích ngồi xem cô xếp cào cào. Tuy chưa thể nhớ hết các động tác của cô nhưng con sẽ học để về làm tặng mẹ”. Ngoài ra, ở khu vực thi đập niêu, đi qua cầu khỉ, nhiều học sinh cho biết rất thích thú khi lần đầu tiên được tận mắt thấy những vật dụng vốn chỉ được nghe ba mẹ kể qua những câu chuyện cổ tích như niêu đất, cầu khỉ. Trước đó, trường cũng tổ chức cho các khối lớp thi gói bánh chưng, làm mứt dừa. Tuy lần đầu tiên tiếp xúc với dao, thớt, lá chuối, dây lạt, bột nếp, đậu xanh nhưng các em tỏ ra rất thích thú, thao tác tuy vụng về nhưng khuôn mặt ai cũng ánh lên sự hớn hở.
Tết không chỉ là dịp vui chơi mà còn để hướng học sinh về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc
Trước đó không lâu, học sinh Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) cũng có ngày hội cuối năm “cười tẹt ga” với nhiều trò chơi dân gian như bịt mắt đập bóng, đua bọ, thảy vòng vào cổ chai… Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) tổ chức cho học sinh các trò chơi đuổi hình bắt chữ, đan lá dừa, kết bong bóng, làm tò he… Đặc biệt, tại Trường Tiểu học Trần Khánh Dư (quận 1), trò chơi dân gian được chọn luôn làm chủ đề của hội xuân năm nay với hàng loạt hoạt động được đầu tư công phu như làm gốm, vẽ tranh ông sao, xếp hạc, thi kéo co, đi cà kheo… Tuy tổ chức vào ngày giữa tuần, thời điểm cán bộ, công chức nhà nước chưa được nghỉ tết nhưng đã có rất đông phụ huynh nán lại cùng học sinh hưởng ửng nhiệt tình.
Một cách tổ chức hội xuân khác, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú) đã đưa học sinh quay ngược thời gian trở về với hàng loạt bài hát thiếu nhi quen thuộc như Bắc kim thang, Chú voi con ở bản Đôn, Inh lả ơi, Mời bạn vui múa ca, Hoa Chăm pa… Điều đặc biệt là khi trình diễn các bài hát, cô và trò đã khéo léo lồng ghép vào các trò chơi dân gian như nhảy sạp, kết hợp múa, hát với trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, sáo. Đến với hội xuân, các em không chỉ được hưởng không khí xuân rộn rã, tràn ngập tiếng cười mà còn được sống lại ký ức tuổi thơ qua các làn điệu dân ca được mẹ hát ru thuở nhỏ. Ngọc Hân, một học sinh lớp 3, cho biết: “Sau ngày hội, con nhất định sẽ xin ba mẹ cho đi học đàn tranh vì quá yêu hình ảnh cô giáo mặc áo dài, đôi tay nhảy múa trên những dây đàn”. Đại diện đơn vị cho biết đây là một trong những hoạt động quận đang áp dụng thử nghiệm ở hai trường tiểu học Phan Chu Trinh và Hiệp Tân, nếu được phụ huynh ủng hộ sẽ tiếp tục nhân rộng ở các trường học khác trên địa bàn.
Hướng về các giá trị văn hóa truyền thống
Ngoài việc tổ chức các trò chơi dân gian, nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TPHCM cũng khuyến khích học sinh tham gia hội xuân mặc áo dài, trang phục truyền thống của dân tộc. Cô Lại Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường Mầm non Thế giới tuổi thơ (quận Gò Vấp), cho biết áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của tất cả giáo viên và học sinh vào ngày hội xuân hàng năm của nhà trường. “Nhiều em lần đầu tiên mặc áo dài còn vướng víu, bước đi ngượng ngịu, nhưng chỉ sau vài phút làm quen thì hầu hết học sinh đều tỏ ra thích thú. Qua đó, giáo viên cũng có cơ hội giúp các em hiểu thêm về một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, cô Nhung bày tỏ. Thêm vào đó, tất cả vật dụng được dùng vào việc trang trí sân khấu, bài trí các gian hàng đều được các cô tận dụng từ những chất liệu quen thuộc như mây, tre, nứa. Hiệu trưởng một trường mầm non công lập ở quận Gò Vấp cho biết, các chất liệu này tuy rẻ tiền nhưng không phải tìm ở đâu cũng có. “Quan trọng nhất là khi sắp đặt cảnh trí, chúng tôi phải tính toán sao vừa đạt yêu cầu thẩm mỹ, vừa mang được “hồn quê” đến với học sinh thành thị, giúp các em bồi đắp thêm tình cảm với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, vị này cho biết.
Qua đó cho thấy, hội xuân không chỉ là dịp mang không khí xuân đầu năm rộn ràng, vui tươi đến với học sinh mà qua đó, những người tổ chức còn mong muốn giúp các em bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, hiểu và gắn bó với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những điều vốn đang bị cuộc sống hiện đại hối hả cuốn đi. Thông qua các hoạt động mừng xuân đầy ý nghĩa, học sinh không chỉ được tận mắt thấy, tận tai nghe mà còn được bày tỏ tình yêu, kế thừa những nét đẹp dân gian truyền thống của cha ông để lại.
Thu Tâm