Tất bật
Theo kế hoạch, ngày 21-8, khoảng 20.000 học sinh các cấp ở huyện biên giới đầu nguồn Hồng Ngự (Đồng Tháp) sẽ đến lớp để bắt đầu cho năm học mới 2017-2018. Sau mấy năm nước lũ về nhỏ, năm nay ở vùng đầu nguồn vào năm học mới ngay thời điểm nước lũ đổ về nhiều.
Anh Nguyễn Văn Sang, ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự bộc bạch: “Năm nay do ảnh hưởng lũ nên ngành nông nghiệp khuyến cáo không làm lúa mà chủ trương xả lũ để lấy phù sa và khai thác thủy sản. Nông dân tụi tui tuy thu nhập có phần ảnh hưởng nhưng vẫn nỗ lực lo cho con được đến lớp”.
Ở huyện Hồng Ngự, lúc này đi đâu cũng thấy nước lũ, tuy nhiên 57 đơn vị trường học trong huyện vẫn an toàn, không ngập.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hồng Ngự, cho biết: “Sau những năm lũ lớn 2000, 2001, 2002… nhấn chìm hàng loạt ngôi trường, làm học sinh không thể đến lớp, Hồng Ngự được quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cao ráo, xây nhiều cụm tuyến dân cư vượt lũ, các trường học cũng được xây mới với cao trình đảm bảo mức nước lũ báo động cấp 3. Tính đến thời điểm này, về cơ bản toàn bộ trường học từ mầm non cho đến THPT đều không bị ngập lũ hoặc bị lũ đe dọa. Chỉ riêng 2 điểm trường Giồng Bàn (xã Thường Phước 1) và Giồng Dúi (xã Thường Thới Hậu A) có nguy cơ bị ngập đường đi từ nông thôn ra trường, nhưng không đáng ngại”.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết, nhiều ngày qua cùng với việc tập huấn chuyên môn cho các giáo viên, các trường, ngành giáo dục luôn quan tâm đến việc huy động học sinh vùng lũ ra lớp đúng ngày. Các điểm trường đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, hội khuyến học… tuyên truyền rộng khắp để các bậc cha mẹ quan tâm và chuẩn bị tốt cho con em vào năm học mới, nhất là ở những nơi bị ảnh hưởng lũ về sớm.
Tại vùng lũ An Giang, công tác chuẩn bị cho năm học 2017-2018 đã hoàn thành. Ông Thái Kim Khải, Trưởng phòng GD-ĐT huyện biên giới An Phú (An Giang), cho biết: “Ngày 21-8, các học sinh sẽ được tập trung và 1 tuần sau sẽ chính thức vào học. Tất cả giáo viên và học sinh đều sẵn sàng cho năm học mới. Hiện nay, dù nước lũ về nhiều nhưng không ảnh hưởng lớn đến công tác giáo dục ở huyện đầu nguồn An Phú”.
Trong khi đó, Phòng GD-ĐT huyện Giang Thành (Kiên Giang) cho hay, đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng sửa chữa trường học, phòng học, bàn ghế nhằm khắc phục tình trạng thiếu lớp. Huyện còn phối hợp cùng các ngành chức năng vận động các gia đình đưa trẻ đến trường đạt tỷ lệ gần 100%...
Theo Phòng GD-ĐT huyện Bình Tân (Vĩnh Long), năm học mới năm nay được chuẩn bị khá chu đáo, học sinh đến lớp dự kiến đạt 100%. Đến nay, toàn huyện chỉ còn vài điểm trường cấp 4 (trường không có lầu), trong khi phần lớn là trường cấp 3 (được đầu tư xây dựng đảm bảo). Do đó, năm nay lũ về nhiều nhưng các điểm trường không bị ảnh hưởng và học sinh sẽ đi học bình thường trong mùa lũ.
Tiếp sức
Một trong những băn khoăn của ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL mỗi khi vào năm học mới là chăm lo cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Anh Nguyễn Tấn Cường, ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, hàng ngày làm thuê kiếm sống. Đầu năm 2017, con gái tôi đang học lớp 7 ở Trường THCS Phú Hữu thì bị té xe đạp khá nặng, nguy cơ tháo khớp chân. Nhà quá nghèo nên tôi định cho cháu nghỉ học. Rất may nhờ bạn đọc Báo SGGP và một số báo đài khác vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí điều trị, thuốc thang… nay con gái tôi dần hồi phục. Năm học này, cháu quyết tâm học trở lại, cố gắng học giỏi để không phụ lòng thương của mọi người”.
Theo Phòng GD-ĐT huyện An Phú (An Giang), những ngày qua, các ngành chức năng ở huyện rất nỗ lực chăm lo những học sinh nghèo được đến trường. Bên cạnh đó, huyện An Phú còn có đặc thù là mỗi năm có hàng ngàn học sinh Việt kiều từ Campuchia vượt sông sang học. Dự kiến, năm học 2017-2018 sẽ có khoảng 1.200 học sinh thuộc diện này, nhiều em hoàn cảnh khó khăn. Huyện An Phú sẽ làm hết sức và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em được đến lớp…
Bà Nguyễn Thị Tha, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Bình, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) cho biết: “Đông Bình là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (hơn 32%), trong đó nhiều hộ khó khăn. Ngoài việc vận động học sinh đến lớp, UBND xã kết hợp với Hội Khuyến học, các doanh nghiệp hỗ trợ tập sách, quần áo, học bổng, nhằm tiếp thêm động lực để các em đến trường”. Tại An Giang, Hội Khuyến học tỉnh này hỗ trợ quà “Tiếp bước đến trường” cho 3 huyện An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn (với mức 50 triệu đồng/huyện); song song đó, hỗ trợ nhiều suất học bổng (350.000 đồng/suất) cho học sinh nghèo và cận nghèo trong tỉnh.
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Ngành giáo dục rất chủ động từ việc vận động học sinh đến lớp, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, sửa chữa trường lớp; phối hợp với các ngành chức năng vận động kinh phí, hỗ trợ tập sách, quần áo cho học sinh khó khăn. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng lên kế hoạch phối hợp với bộ đội biên phòng và các ngành chức năng tổ chức đưa rước học sinh vùng lũ đầu nguồn, vùng ngập sâu… đi học an toàn trong trường hợp đỉnh lũ lên cao và có thể gây ngập đường sá vào tháng 9, tháng 10-2017”.