
Hôm nay, 14-10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X chính thức khai mạc. Nhìn lại 5 năm nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã phát huy cao nhất nội lực, tranh thủ ngoại lực, bằng những giải pháp quyết liệt mang tính đột phá, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Một khu nhà lưới trồng hoa của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Nghị quyết số 16: “Chìa khóa vàng” cho sự phát triển TPHCM
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ và đổi mới, đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX đã thành công và đã ban hành được nghị quyết phát triển kinh tế văn hóa xã hội, hội tụ trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng bộ, nhân dân TPHCM. Đặc biệt, sau hơn 1/3 chặng đường thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX với thế và lực mới, ngày 10-8-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, dành riêng cho Thành phố Anh hùng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đây là nghị quyết đề cập trực tiếp, toàn diện tình hình, nhiệm vụ của TP; cả trước mắt và lâu dài cho một thời kỳ 10 năm, là “chìa khóa vàng” cho sự phát triển TPHCM, cùng cả nước phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Kinh tế tăng trưởng và chuyển dịch đúng hướng
Năm năm qua, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có nhiều thời cơ, thuận lợi, thách thức đan xen nhưng càng khó khăn, TPHCM càng phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo, linh hoạt đưa nghị quyết vào cuộc sống (bình ổn thị trường, kiểm soát giá cả, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn…).
Kinh tế TP duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 5 năm (2011 - 2015) đạt 9,6%/năm, tăng gấp 1,66 lần so với cả nước; TP chiếm 21% GDP của cả nước, 20% kim ngạch xuất khẩu, 33% nguồn thu ngân sách quốc gia và là một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn của cả nước với trên 5.680 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 39,5 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư xã hội tăng, hiệu quả đầu tư ngày càng nâng lên, giai đoạn 2006 - 2010 một đồng vốn ngân sách thu hút 8,5 đồng vốn xã hội, giai đoạn 2011 - 2015 thu hút trên 12,5 đồng. Thị trường hàng hóa phát triển nhanh hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có quy mô thị trường gấp 2,38 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.
Đô thị chuyển mình
Kết cấu hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư. Hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, cấp nước, thoát nước trọng điểm, tăng khả năng kết nối, phát triển TP về phía Đông, Tây và Nam. Hoàn thành, đưa vào sử dụng 435 công trình quan trọng. Trong 5 năm trở lại đây, TP đã làm mới trên 300km đường, hơn 70 cây cầu, khởi công và hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị, như: đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đường hầm sông Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, đường vành đai phía Đông, cầu Sài Gòn 2; dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé; di dời hệ thống cảng từ nội thành ra Cát Lái và Hiệp Phước…
Giáo dục - đào tạo chuyển biến tích cực
Thành phố đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ góp phần tích cực vào quá trình phát triển; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân. Ngân sách đầu tư vào giáo dục - đào tạo tăng hàng năm, phát triển cơ sở vật chất theo quy hoạch, khang trang, từng bước hiện đại; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các ngành học, bậc học; đổi mới phương pháp giảng dạy, coi trọng giáo dục nhân cách, lối sống, đạo đức, lý tưởng cho học sinh. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được thực hiện khá tốt, gắn với nhu cầu xã hội ở các lĩnh vực.
Đời sống người dân không ngừng được nâng cao
Đặc biệt, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, TPHCM đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân từ nội thành đến ngoại thành, đến nay cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện ngoại thành. Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá đã hoàn thành giai đoạn 4 với tiêu chuẩn thu nhập hộ nghèo dưới 16 triệu đồng/người/năm, hộ cận nghèo dưới 21 triệu đồng/người/năm, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia 2,7 lần, tiếp cận chuẩn nghèo quốc tế (2 USD/người/ngày).
Kết quả cuối cùng đạt được chính là đời sống vật chất và tinh thần của người dân TP ngày càng được nâng lên. Nhiều chương trình an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã được thực hiện tốt.
Tăng cường công tác đối ngoại và thu hút đầu tư
Nhiệm kỳ qua cũng chứng kiến sự đột phá trong công tác đối ngoại của TP. Quan hệ quan hệ hợp tác với địa phương các nước tiếp tục được triển khai và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi để hợp tác cùng phát triển. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường; công tác vận động kiều bào được đẩy mạnh (thu hút được 24 tỷ USD kiều hối, tăng 37,9% so với giai đoạn 2006 - 2010), phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển và hội nhập quốc tế, tạo thêm thế và lực, uy tín của TPHCM trên trường quốc tế.
6 chương trình đột phá đạt kết quả quan trọng
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, đào tạo nghề, tạo chuyển biến bước đầu trong đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Cải cách hành chính có tiến bộ, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến sản xuất - kinh doanh, chữa bệnh, học tập… của người dân, chất lượng thực hiện công vụ ngày càng nâng lên. Đẩy mạnh hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu…
Hệ thống chính trị ngày càng hoạt động hiệu quả
Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh được tăng cường, đạt kết quả quan trọng; hệ thống chính trị TP không ngừng được củng cố, hoạt động của chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác cán bộ đảm bảo nguyên tắc, dân chủ, khách quan, nội bộ đoàn kết; nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ và thực hiện các bước tiếp theo sau quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch cán bộ nguồn Thành ủy khóa X, cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Thành ủy khóa X và những năm tiếp theo, tăng số lượng, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tuổi.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được cải thiện, phấn đấu đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị đặc biệt. Tổ chức, bộ máy các cơ quan quản lý Nhà nước từng bước được kiện toàn, sắp xếp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm phục vụ dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
| |
Hồng Hiệp