Vươn lên từ nghịch cảnh

Tấm gương nghị lực
Vươn lên từ nghịch cảnh

Họ là những thanh thiếu niên khuyết tật, cơ nhỡ có tinh thần vượt khó, ý chí cầu tiến rất đáng trân trọng mà chúng tôi đã tiếp xúc qua các dịp đến thăm trường, lớp, mái ấm tình thương...

Bị khiếm thị nhưng anh Dương Huỳnh Thanh Phú sử dụng máy vi tính khá thành thạo. Ảnh: Kỳ Vọng

Bị khiếm thị nhưng anh Dương Huỳnh Thanh Phú sử dụng máy vi tính khá thành thạo. Ảnh: Kỳ Vọng

Tấm gương nghị lực

Cùng chung cảnh ngộ như bao trẻ em cơ nhỡ khác đang nương tựa tại Làng SOS TPHCM, cô gái trẻ Huỳnh Thị Phương (20 tuổi, quê ở Tây Ninh) có câu chuyện buồn riêng về thân phận của mình. Năm em lên 2 tuổi thì mẹ qua đời vì một cơn bạo bệnh. Cha em phiêu bạt làm thuê, làm mướn khắp các tỉnh miền Tây, rất ít khi về thăm con nên thời thơ ấu của cô gái trẻ này chỉ là những tháng ngày lủi thủi quấn theo chân bà ngoại. Người bà tuy rất thương cháu nhưng vì tuổi cao, sức yếu lại sống trong cảnh cơ hàn đành gạt nước mắt nhờ chính quyền địa phương liên hệ gửi em vào Làng SOS TPHCM.

Phương tâm sự, tuần đầu tiên mới bước vào chốn xa lạ, đêm nào em cũng nước mắt lưng tròng vì nhớ thương người bà tóc bạc, da mồi sớm chiều cận kề bên em từ lúc mới bước đi chập chững. Rồi nỗi buồn, cảm giác cô đơn, hụt hẫng cũng nhanh chóng qua đi khi Phương nhận được tình cảm yêu thương, sự chăm sóc dạy dỗ tận tình của các má tại mái nhà yên ấm đầy ắp tình người này. Ý thức về hoàn cảnh của mình, 10 năm cư trú tại Làng SOS, Phương không những là người con hiếu thảo với các má, người chị đảm đang với các em nhỏ cùng chung mái nhà mà còn là học trò giỏi được thầy yêu, bạn mến.

Suốt những năm học ở trường Hermann Gmeiner, rồi Nguyễn Công Trứ (Gò Vấp), Phương luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thành quả cho quá trình phấn đấu không ngừng nhằm vượt qua nghịch cảnh đó là tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi, thi đậu 2 trường Đại học Bách khoa và Đại học Quốc tế (trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) trong kỳ thi đại học năm 2010.

Hiện tại, Huỳnh Thị Phương là sinh viên năm thứ 2, ngành công nghệ hóa thực phẩm - sinh học Trường Đại học Quốc tế TPHCM. Theo ông Nguyễn Văn Trừng, Giám đốc Làng SOS TPHCM, Huỳnh Thị Phương là tấm gương điển hình về nghị lực chiến thắng số phận cho hàng trăm em khác tại đây noi theo.

Cánh chim không mỏi

Tuy không phải chịu cảnh côi cút, sớm rời xa gia đình như em Phương nhưng anh sinh viên khiếm thị Dương Huỳnh Thanh Phú (37 tuổi) quê ở Châu Thành, Tiền Giang đang cư ngụ tại Mái ấm Bừng Sáng (quận 10 TPHCM) cũng là một cánh chim không mỏi trong hành trình vươn lên từ nghịch cảnh. Bị mù đôi mắt từ lúc mới lọt lòng, sống trong cảnh tăm tối, dò dẫm, ít bạn bè thân thiết nhưng không vì vậy mà anh tự ti, tuyệt vọng.

Năm 1983, lúc 9 tuổi, Phú mạnh dạn xin gia đình cho mình theo chân thầy cô lên Sài Gòn xin vào học tại trường dành cho người khiếm thị. Đến đầu năm 1988, Phú được giới thiệu vào Mái ấm Bừng Sáng. Gần 10 năm trời, ngày học chiều tối về lần mò đi làm công cho cơ sở dập nút áo để kiếm thêm tiền chi tiêu sinh hoạt. Ngoài việc đạt học lực loại khá giỏi, anh còn học thêm được ngón đàn organ khá thuần thục từ thầy Đào Khánh Trường (chủ nhiệm đầu tiên của Mái ấm Bừng Sáng).

Năm 2007, dù đã ngoài 30 tuổi nhưng anh vẫn nộp hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học. Quyết tâm cao độ đã giúp anh đậu vào ngành xã hội học Trường Đại học KHXH-NV TPHCM trước sự thán phục của tất cả thầy cô và anh chị em trong mái ấm. Hiện tại, anh Dương Huỳnh Thanh Phú đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học. Anh chia sẻ với chúng tôi rằng, sẽ tiếp tục xin xét vào học tại ngành nhân học của trường. Ngày nào cũng vậy, ngoài giờ học hoặc những lúc phải ôn tập để thi cử, thời gian buổi tối anh tranh thủ “chạy sô” đệm đàn tại một vài quán nhậu bình dân để “Hát với nhau” nhằm có thêm thu nhập trang trải chi phí ăn học.

Nói về ước vọng trong cuộc sống, anh Phú chân tình: “Mình muốn có công việc ổn định để rồi sau đó dành sức lực phục vụ lại cho mái ấm, nơi đã chở che, bảo bọc và cho mình điểm tựa, niềm tin cũng như cơ hội vươn lên khẳng định bản thân với xã hội”.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục