Dáng người nhỏ thó, nụ cười tươi tắn, đôi tay nhanh nhẹn, mềm mại xe từng hạt cườm vào nhau để hoàn tất sản phẩm, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Diệu Linh (ngụ phường Tân Quy, quận 7, TPHCM) tạo ra khoảng 10 - 20 vòng đeo tay thủ công tinh xảo. Nhìn từ bên ngoài, ít ai biết chị là một người khuyết tật và càng ít người biết hơn nữa chuyện chị là một người khuyết tật sống tự lập, luôn chiêm nghiệm câu nói của Bác khi Người tới thăm Trường Thương binh Hà Nội vào năm 1956: “Tàn nhưng không phế”.
Chiếc nẹp sắt ngang lưng
Diệu Linh chia sẻ, chị bị sốt bại liệt khi lên 2 tuổi. Cuộc sống tưởng chừng đã dừng lại khi phải đeo trên người chiếc nẹp sắt đến ngang lưng: đau đớn vì những lần nẹp sắt hằn lên da gây vết thương nhuốm máu; tủi thân vì bạn bè xung quanh chạy nhảy, nô đùa, còn chị chỉ lầm lũi đi học - đi về mỗi ngày. Cuộc sống càng nhạt nhẽo hơn khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ước mơ vào giảng đường y dược của chị phải dừng lại khi nhà trường thông báo chị không đủ sức khỏe để theo ngành. Chị bỏ học, theo nghề may và tự khép mình trong vỏ ốc gia đình. “Ngày đó tôi buồn lắm. Tôi luôn thu mình trong nhà, không dám tiếp xúc với nhiều người. Những quan điểm lạc hậu của xã hội như người khuyết tật là do kiếp trước sống không được tốt, nên kiếp này chịu ảnh hưởng càng khiến tôi trầm cảm hơn”, Diệu Linh tâm sự.
Chị Diệu Linh (người đứng giữa mặc áo trắng, đeo kính) thường xuyên tham gia hoạt động của các CLB giúp chị hòa nhập cuộc sống.
Một lần chị đọc tư liệu về Bác khi Người tới thăm Trường Thương binh Hà Nội vào năm 1956, Người đã nói “Thương binh tàn nhưng không phế”. Chị chiêm nghiệm lại cuộc sống bản thân và quyết tâm thay đổi. Mỗi ngày, chị học và làm theo lời Bác từ những điều nhỏ nhặt như tập thể dục để cải thiện sức khỏe, kiên trì, bền bỉ với công việc; cần cù, chịu khó học hỏi điều hay, cái mới. Với ý chí kiên cường và nghị lực vươn lên, chị Diệu Linh đã thoát khỏi vỏ bọc của bản thân.
Vươn lên
Năm 2009, được sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Quy, chị Diệu Linh dự một hội chợ tổ chức cho người khuyết tật và bén duyên với nghề kết cườm. Từ đó chị chuyên tâm học hỏi, luyện tập tay nghề, nghiên cứu mẫu mã. Ban đầu, chị làm vài món lặt vặt, ai khen đẹp thì cho. Nhưng rồi dần dà thấy làm cái nào cũng được khen đẹp, vậy là chị chuyển sang kết cườm để kinh doanh, rồi mở được cửa tiệm nho nhỏ tại nhà và dạy nghề cho vài chị em phụ nữ khác để cải thiện kinh tế. Đến nay, tổ kết cườm do chị quản lý đã có 6 chị em nghèo hoạt động. Mỗi tháng, từng cá nhân có thu nhập thường xuyên và ổn định từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, chị Diệu Linh còn thường xuyên tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) như: CLB Phụ nữ và Khuyết tật quận 7; CLB Doanh nghiệp Người khuyết tật tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD; các mái ấm dành cho người khuyết tật ở quận - huyện... “Tôi muốn hòa nhập xã hội, gặp gỡ, học hỏi những người giỏi hơn, bản lĩnh hơn; chia sẻ, truyền đạt tâm tư, kinh nghiệm cho những người kém may mắn. Đó là động lực để chúng tôi vượt gian khó - những người khuyết tật càng phải nỗ lực hơn gấp trăm lần để vượt qua hoàn cảnh”, chị nói.
Bạn Trần Thị Thanh Hằng, sinh viên năm 3 Đại học Mở TPHCM, là một trong những học viên của chị Diệu Linh, tâm sự: “Chị ấy là người cởi mở, hòa đồng, tuy khiếm khuyết về bản thân nhưng chị luôn năng động, đầy sức sống. Tôi thích cách nhìn lạc quan, yêu đời, vươn lên bằng chính sức lực của chị. Chị luôn nói điều gì cũng có thể làm được, nếu ta cố gắng và nỗ lực hết sức mình”.
KHIẾT NHUNG