“Dù là xã đảo, nằm ở cửa biển, nhưng Thạnh An bây giờ rất gần. Ai nấy đang hân hoan đón tin vui: Ăn tết xong là có điện lưới quốc gia kéo ra!” - các chị bán hàng rong ở cầu cảng xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) phấn khởi cho biết như vậy khi nghe chúng tôi hỏi thăm về chuyện đón tết.
Lo tết cho dân xong rồi!
Những ngày cuối năm, cầu cảng của xã đảo Thạnh An tấp nập hơn. Các tàu thuyền ra đảo vận chuyển nhiều hàng hóa chuẩn bị cho tết. Người nào về cũng kè kè giỏ xách đầy ắp những hộp bánh, mứt, trà. Hàng chở vào đất liền toàn đặc sản của đảo, chủ yếu là hải sản, mắm tép… Anh Hải lớn lên ở đảo, kiếm sống bằng nghề bốc vác tại cầu cảng, tâm sự: “Cuối năm, tui ráng làm để kiếm tiền lo tết. Mỗi ngày cũng kiếm chừng hơn 150.000 đồng. Cuộc sống ở đảo bây giờ dễ thở và thoải mái hơn, không vất vả như trước. Chính quyền cũng quan tâm lắm, lo cho dân nhiều thứ!”.
Vận hành cẩu dài 28m để nạo vét đáy biển, đào đặt cáp điện kéo ra xã đảo Thạnh An.
Anh Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã, mới về đây nhận nhiệm vụ hơn một năm, cho biết: “Cả đảo có 1.200 hộ, trước đây chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh cá gần bờ nên cuộc sống có phần bấp bênh do sản lượng đánh bắt không cao. Nỗi lo của chúng tôi là có đến 28% số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Từ hơn một năm qua, Thạnh An có chuyển mình: Bà con xoay qua nuôi trồng thủy sản, chủ yếu nuôi hàu, với tổng diện tích nuôi tăng hơn 100% so với trước. Bà con phấn khởi, nhưng do chưa đến kỳ thu hoạch, nên trước mắt xã đang vận động các mạnh thường quân góp sức lo tết cho dân. Tất cả hộ nghèo sẽ có quà tết. Ra tết sẽ đón điện lưới quốc gia. Mọi người ở xã đều rất hân hoan đón chờ sự kiện này, vì có điện lưới thì đời sống bà con ổn định hơn, sản xuất sẽ tốt hơn. Lâu nay ở Thạnh An xài điện chạy dầu, mỗi năm nhà nước phải bù lỗ mười mấy tỷ đồng”.
Công trường không nghỉ tết
Tại khu đất gần cầu cảng Cần Thạnh, từ đầu tháng 1-2015 đến nay đã thành công trường thi công trạm ngắt để kéo cáp điện vượt biển. Đại diện liên danh Prysmian - Thái Dương (đơn vị từng thi công kéo cáp điện vượt biển đảo Cô Tô, Lý Sơn) cho biết: Để đưa điện từ đất liền ra đảo Thạnh An, sợi cáp dài 5.600m. Cáp điện kéo ra Thạnh An ngắn hơn ra các đảo Cô Tô, Lý Sơn nhưng phức tạp hơn vì đáy biển có nhiều cát, bùn và tàu bè qua lại thường xuyên. Sau nhiều tháng thăm dò, các chuyên gia nước ngoài quyết định phương pháp thi công đào sâu 5m dưới mặt biển ở đầu hai bờ để đặt ống luồn cáp, tránh tình trạng cáp bị trôi dạt do thủy triều hay tàu bè va phải.
Cách bờ Cần Thạnh hơn 200m, một sà lan với cẩu có “cánh tay” dài hơn 28m, chuyên nạo vét lòng biển đã cùng nhiều chuyên gia nước ngoài thi công hơn tháng nay. Cẩu nạo vét đến đâu sẽ đặt ống và đổ xi măng đặc biệt để định vị ống, sau đó sẽ luồn cáp để kéo vào bờ. Phía bờ xã đảo Thạnh An, công việc cũng tương tự. Được biết, toàn bộ sợi cáp dài 5.600m được sản xuất tại Ý và mùng 2 tết sẽ đưa lên tàu về Việt Nam. Theo tiến độ, ngày 28-3 cáp về đến Cần Giờ và sẽ được luồn vào ống, ngày 15-4 hoàn tất kéo cáp, đấu nối thử nghiệm và đóng điện. Để kịp tiến độ này, công trường sẽ không nghỉ tết, làm việc 24/24 giờ.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Giám đốc Công ty Điện lực Cần Giờ, phấn khởi nói: Có điện lưới quốc gia, mỗi năm không phải bù lỗ 12 tỷ đồng do chạy dầu, không còn vận động dân giảm xài bếp điện, bàn ủi từ 17 giờ chiều đến 21 giờ. Chủ tịch UBND xã Huỳnh Anh Tuấn nói thêm: “Nghe có điện lưới, dân rục rịch mua thêm trang thiết bị cho sinh hoạt và sản xuất, ai cũng vui, vui như tết!”.
THƯ LÊ