Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khiếu nại, tố cáo (KN-TC) về xã, phường sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và đưa kiến thức pháp luật về đúng địa chỉ.
Tuyên truyền theo bề rộng
Nhân dân là đối tượng hướng đến đầu tiên trong mục tiêu của Đề án 1-1133 tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KN-TC ở xã, phường trên địa bàn TPHCM. Ngoài hình thức tuyên truyền miệng, nhiều quận, huyện đã giao cho trung tâm văn hóa xây dựng các tiết mục sân khấu hóa, tiểu phẩm biểu diễn tại các địa bàn khu phố. Thanh tra TPHCM cho biết, sau 3 năm thực hiện Đề án 1-1133, toàn TP đã thực hiện trên 3.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC, qua đó, đông đảo người dân cán bộ, công chức, người giải quyết KN-TC được cập nhật và nâng cao kiến thức pháp luật. Con số đó thể hiện sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các tổ chức, đoàn thể.
Ông Lê Văn Hùng, Phó Chánh Thanh tra TPHCM, cho biết: “Đề án 1-1133 là một chương trình phổ biến pháp luật có quy mô lớn tại TPHCM. Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm Trưởng ban thực hiện đề án. Trong đó Thanh tra TP là nòng cốt với sự tham gia của Sở Tư pháp, Sở Thông tin - Truyền thông, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, Hội Nông dân, Báo SGGP, Đài Truyền hình TP và Đài Tiếng nói TP. Ban đã xây dựng phương án, kế hoạch tuyên truyền hướng về người dân ở tất cả các phường, xã trên toàn TP. Điều khó khăn hiện nay là chương trình phổ biến pháp luật quá lớn, đòi hỏi thời gian thực hiện lâu dài, liên tục nhưng kinh phí còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu”.
Luật sư Hãng luật Bến Nghé tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người dân
Thước đo về nhận thức pháp luật KN-TC của người dân là ý thức tôn trọng, chấp hành và thực thi pháp luật của người dân cũng như cán bộ, công chức. Thực tế cho thấy, số vụ KN-TC giảm theo từng năm, trong đó năm 2014 giảm 33%, năm 2015 giảm 4%, không có các vụ khiếu nại đông người mới phát sinh. Trong khi đó, hiệu quả công tác giải quyết KN-TC tăng, đạt tỷ lệ giải quyết 87%. Trong bối cảnh hệ thống luật và văn bản quy phạm hướng dẫn luật thay đổi nhiều và luôn cập nhật, việc phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật liên tục cho hàng triệu người dân, sẽ là gánh nặng đối với ngân sách, nếu không được xã hội hóa.
Tiếp tục đi vào chiều sâu
Trong hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 1-1133, có nhiều ý kiến đề xuất: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ do Nhà nước đảm nhiệm, chi trả kinh phí mà cần phải xã hội hóa, để các tổ chức, doanh nghiệp được tham gia, chung tay đưa pháp luật về với người dân. Nhà nước phải đưa ra quy chế đảm bảo việc xã hội hóa công tác này đúng pháp luật, không bị méo mó.
Theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, đã đến lúc phải đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền phổ biến pháp luật, đi vào chiều sâu theo hình thức xã hội hóa để mọi thành phần cùng tham gia, nhằm tăng hiệu quả, giảm gánh nặng cho Nhà nước. Thực tế cho thấy hầu hết các điểm nóng về KN-TC đông người, kéo dài trên địa bàn TPHCM đều liên quan đến chính sách đền bù, giải tỏa.
Cùng với nguyên nhân do tình trạng bất cập trong chính sách, quy định pháp luật về đền bù giải tỏa đất đai, còn có nguyên nhân là sự thiếu am hiểu pháp luật của người dân, nên các bên không tìm được tiếng nói chung. Thiệt hại đầu tiên là nhà thầu không có mặt bằng để thi công, tiếp đến là chủ đầu tư bị phạt hàng tỷ đồng vì giao mặt bằng không đúng thời hạn cam kết.
Như vậy, để thúc đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư và nhà thầu cần dành một phần kinh phí để phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật KN-TC, pháp luật đất đai và những chính sách về đền bù, giải tỏa, tái định cư cho người dân biết. Khi người khiếu nại và cán bộ giải quyết khiếu nại thông hiểu pháp luật KN-TC, sẽ sớm tìm được tiếng nói chung, giúp công trình thi công sớm.
|
TRẦN YÊN