“Xã hội hóa” việc xử lý vi phạm

Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đang ngày càng trở nên phổ biến với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí nhiều vụ vi phạm mang tính chất cố ý với thái độ xem thường pháp luật và sinh mạng người khác, trong đó có sự tiếp tay của một bộ phận lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).

Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đang ngày càng trở nên phổ biến với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí nhiều vụ vi phạm mang tính chất cố ý với thái độ xem thường pháp luật và sinh mạng người khác, trong đó có sự tiếp tay của một bộ phận lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhưng suy cho cùng nguyên nhân gốc rễ là do ý thức của một bộ phận tham gia giao thông quá kém. Tuy nhiên, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng là do lực lượng chức năng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông còn hạn chế, không đủ sức phát hiện và xử lý vi phạm trên tất cả các tuyến đường.

Điều này dễ hiểu, vì nơi nào thiếu vắng CSGT sẽ xuất hiện nhiều vi phạm (nhất là vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều…) hoặc lợi dụng giờ nghỉ của CSGT để vi phạm (xe tự chế tràn ra đường, xe vận tải chở hàng quá tải, quá khổ, chạy quá tốc độ giành đường lấn tuyến, xe taxi đậu bừa bãi, xe buýt phóng nhanh vượt ẩu…). Vi phạm giao thông xảy ra ngày càng nhiều, nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời để răn đe, ngăn chặn sẽ tạo tiền đề nguy hiểm, mức độ vi phạm và số người vi phạm sẽ ngày càng lớn, tai nạn xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và của nhiều hơn.

Trước tình trạng đó, ngoài lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, gần đây, chính quyền các cấp đã cho một số thành phần khác tham gia giữ gìn trật tự giao thông đường phố như công an phường, thanh niên xung phong, bảo vệ dân phố… Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu, vi phạm giao thông vẫn phổ biến. Thiết nghĩ, để có thể ngăn chặn triệt để tình trạng trên, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện để mọi người dân và toàn xã hội cùng tham gia phát hiện và giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Cụ thể, nên xây dựng những địa chỉ tiếp nhận thông tin người dân phản ánh vi phạm an toàn trật tự giao thông qua tư liệu hình ảnh, phim ngắn…

Thực tế đã chứng minh có nhiều trường hợp camera của người dân ghi lại những hình ảnh phạm pháp giúp cơ quan chức năng khám phá những vụ án nghiêm trọng. Hiện nay, có nhiều cá nhân ghi hình các vụ tiêu cực về an toàn giao thông, nhưng chủ yếu đưa lên internet, không vì mục tiêu tố giác tội phạm.

Để hỗ trợ cho việc này, ngoài đơn vị công an tiếp nhận thông tin chính, chính quyền cần khuyến khích các báo đài mở nhiều kênh tuyên truyền về an toàn giao thông đưa các hình ảnh, đoạn phim vi phạm do người dân cung cấp để tạo dư luận và đấu tranh với những hành vi vi phạm, đồng thời chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật, nhất là đối với những hành vi ngang ngược, thách thức dư luận.

Nếu làm được những điều này, chắc chắn tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ được cải thiện đáng kể, đồng thời giảm thiểu được tiêu cực trong ngành CSGT vì có sự tham gia giám sát của toàn xã hội.

VÕ HUỆ

Tin cùng chuyên mục