Xã nông thôn trong cơn lốc đô thị hóa

Sức ép đô thị hóa đối với xã nông thôn mới Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM) đang tăng dần. Người nông dân địa phương đang đứng trước lựa chọn khó khăn: Tiếp tục bám nông nghiệp hay chuyển sang dịch vụ, công nghiệp?
Nhiều điểm mua bán đất mọc lên dọc theo các tuyến đường trong xã Bình Lợi
Nhiều điểm mua bán đất mọc lên dọc theo các tuyến đường trong xã Bình Lợi
Muốn giữ nghề nông cũng quá khó

Theo đường Trần Văn Giàu, chúng tôi đến xã Bình Lợi trên tuyến tỉnh lộ nối TPHCM với tỉnh Long An, có quy mô 6 làn xe, mới được nâng cấp mở rộng mà đã quá tải. Từng đoàn xe có tải trọng lớn, xe container tấp nập ngược xuôi chở hàng hóa từ các khu công nghiệp xuôi về cảng, chở nguyên liệu từ cảng về các nhà máy, xí nghiệp. Tiếp chúng tôi, ông Trương Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, cho biết: “Xã Bình Lợi đã đạt 19 tiêu chí theo chương trình mục tiêu nông thôn mới. Toàn xã có diện tích gần 2.000ha, trong đó trên 1.500ha vẫn là đất nông nghiệp. Địa hình xã tiếp giáp xã Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), và huyện Đức Hòa (tỉnh Long An); đối diện ấp 3 và 4 là Cụm công nghiệp Hải Sơn rộng gần 400ha, với những nhà máy trải dài đã đi vào hoạt động nhiều năm nay. Do đó, sức ép đô thị hóa ngày càng tăng. Dù vậy, nông dân địa phương vẫn làm kinh tế nông nghiệp: trồng mai vàng, củ riềng, hoa lan, sen, nuôi cá thịt và cá kiểng. Mô hình nuôi cá kiểng có 28 hộ tham gia, diện tích nuôi 30ha, thu nhập 400 triệu đồng/năm; trồng củ riềng có 58 hộ tham gia, diện tích 103ha, thu nhập 300 triệu đồng/năm; trồng mai vàng có 147 hộ tham gia, diện tích 249ha, thu nhập 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, các nông dân bám nghề nông không khỏi lo âu, trăn trở, vì muốn giữ nghề nông cũng quá khó”.

Ông Trần Tử Vương (chủ vườn mai vàng, ngụ tại C3/122/30 Vườn Thơm ấp 3) kể: “Nghề trồng hoa mai vàng đem lại thu nhập khá cho người dân trong ấp 3. Vườn hoa mai 10ha đã đem lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập khá lớn, ổn định. Nhưng năm nay, một phần vườn mai bị giải tỏa làm nhà máy, nên giảm xuống chỉ còn 7ha”. Nhiều chủ vườn cũng cho biết, giờ đây có muốn mở rộng, tăng diện tích vườn cây cũng không dễ, vì giá đất lên quá cao. Năm trước, mỗi công đất ở khu vực ấp 3, ấp 4 giá chừng 500 - 600 triệu đồng, nay đã tăng gấp đôi. Đất đai có hạn, người bán thì ít mà người mua quá nhiều. 

Công nghiệp hay nông nghiệp? 

Xã nông thôn mới Bình Lợi không còn yên tĩnh, do tốc độ đô thị hóa nhanh đã đẩy phố xá, khu công nghiệp từ Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc tiến sát dần. Sức ép công nghiệp hóa từ phía Long An còn mạnh hơn. Chỉ cách ấp 3 và ấp 4 một con rạch nhỏ, phía bên huyện Đức Hòa, Cụm công nghiệp Hải Sơn rộng gần 400ha đã lấp đầy nhà xưởng. Cách đó không xa, có đến 7 cụm và khu công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Tân Đức rộng 535ha, Cụm công nghiệp ATad rộng 1.110ha. Đã nhiều lần tỉnh Long An đề xuất cho mở rộng nhà máy, cơ sở dịch vụ lưu trú phục vụ phát triển khu công nghiệp sang xã Bình Lợi. 

Trong cơn lốc đô thị hóa, nhiều nông dân xã Bình Lợi đã chủ động chuyển từ nghề nông sang làm dịch vụ, mở cơ sở sản xuất hàng hóa. Dọc theo đường Trần Văn Giàu, Vườn Thơm, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã mọc lên. Theo số liệu của UBND xã, chỉ trong một thời gian ngắn, từ một xã thuần nông, đến nay Bình Lợi đã có trên 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thành lập, đi vào hoạt động. Không ít gia đình nông dân đã xây dựng nhà cho công nhân thuê phòng lưu trú. Nhiều doanh nghiệp từ nội thành, tỉnh Long An và nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư. 

Đồng hành với người dân, với phương châm hạ tầng phải đi trước một bước, chính quyền xã đã chủ động, huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm. Ông Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ địa chính - xây dựng xã, cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt công trình giao thông được khởi công xây dựng. Đường Vườn Thơm, trục tuyến chính đã được nâng cấp, chỉnh trang. Đường Trương Văn Đa được nâng cấp, mở rộng theo quyết định của Sở Giao thông Vận tải. Dòng kênh Xáng Ngang không còn bị chia cắt khi cầu Ông Oánh, Năm Xuyên, Tám Đại và Độc Lập được xây dựng, đưa vào sử dụng. Chính quyền luôn đảm bảo điện, đường đến sát trang trại, bờ tường cơ sở sản xuất khi người dân có yêu cầu.

Các nhà máy xí nghiệp, khu đô thị mới đang vây chặt xã nông thôn mới Bình Lợi. Những người nông dân đang đứng giữa sự lụa chọn: bám đất để làm nông hay chuyển sang làm dịch vụ, sản xuất hàng hóa công nghiệp? Nguồn nước ngày càng ô nhiễm và nghẽn, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng chuyển sang phi nông nghiệp làm dịch vụ để phục vụ sản xuất công nghiệp lại chưa được phép. Trong bối cảnh này, người nông dân rất cần sự vào cuộc, định hướng kịp thời của chính quyền. 

Tin cùng chuyên mục