Xác định rõ trách nhiệm kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH) tại phiên họp chiều 22-3, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí cao với sự cần thiết phải quy định về cơ cấu hệ thống và phân tầng cơ sở GDĐH.
Xác định rõ trách nhiệm kiểm định chất lượng giáo dục đại học

(SGGP).– Cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH) tại phiên họp chiều 22-3, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí cao với sự cần thiết phải quy định về cơ cấu hệ thống và phân tầng cơ sở GDĐH.

Theo Chủ nhiệm UB VHGDTTNNĐ QH Đào Trọng Thi, dự thảo luật trình lần này đã bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định việc phân tầng cơ sở GDĐH được thực hiện theo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để phù hợp với nhu cầu nhân lực và điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết tại các văn bản dưới luật về tiêu chí phân tầng cơ sở GDĐH và ban hành chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và quyền tự chủ phù hợp với vị trí, vai trò và năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH.

Để chủ động xây dựng một số cơ sở GDĐH thuộc tầng cao nhất, dự thảo luật cũng chỉnh sửa khoản 2 Điều 10 quy định Nhà nước đầu tư ngân sách có trọng điểm để hình thành một số cơ sở GDĐH chất lượng cao, theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao và kinh tế xã hội then chốt đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, phân tầng đại học là xu thế tất yếu, các nước đều đang làm để quy hoạch phát triển những đại học hàng đầu, làm động lực phát triển khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giao quyền tự chủ triệt để hơn nữa cho các trường đại học. “Không nên bắt các trường cứ mỗi năm lại xin chỉ tiêu tuyển sinh một lần”, bà nói.

SV Khoa kỹ thuật ô tô Trường ĐH Bách khoa TPHCM trong giờ học về hệ thống chiếu sáng và tín hiệu. Ảnh: MAI HẢI

SV Khoa kỹ thuật ô tô Trường ĐH Bách khoa TPHCM trong giờ học về hệ thống chiếu sáng và tín hiệu. Ảnh: MAI HẢI

Một nội dung khác được UBTVQH quan tâm là việc kiểm định chất lượng của cơ sở GDĐH. Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo mới đã chỉnh sửa khoản 3 Điều 34 theo hướng xác định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ của GDĐH; yêu cầu tối thiểu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp để bảo đảm chất lượng đầu ra của GDĐH; bổ sung tại khoản 3 Điều 50 trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH, chuẩn quốc gia đối với cơ sở GDĐH và chuẩn đối với chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH. Đồng thời, để tăng cường trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, Điều 48 dự thảo luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc đảm bảo chất lượng GDĐH.

Theo đó, cơ sở GDĐH có trách nhiệm thành lập đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng GDĐH; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng; tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở GDĐH; duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng.

Trong phiên họp sáng cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH ủng hộ phương án đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đa số thành viên UBTVQH cũng tán thành việc quy định người lao động nước ngoài được gia nhập công đoàn. Về tài chính công đoàn, đề nghị quy định “Kinh phí công đoàn do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng góp bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.

Dự thảo Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được UBTVQH thông qua tại phiên họp sáng 22-3. 

A.THƯ

Tin cùng chuyên mục