Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày càng tinh vi trên thị trường, như làm giả nhãn hiệu, giả kiểu dáng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và doanh thu của doanh nghiệp (DN). Để bảo vệ uy tín và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh bền vững, DN cần phải chú trọng đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa.
Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu của một DN dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các DN khác. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh, hoặc từ ngữ kết hợp với hình ảnh, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Như vậy bên cạnh chức năng chính là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của DN trên thị trường, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, nhãn hiệu còn là biểu tượng cho hình ảnh và danh tiếng của DN, là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và là một tài sản kinh doanh có giá trị đặc biệt.
Để được pháp luật công nhận DN là chủ sở hữu của nhãn hiệu, nhãn hiệu đó phải được đăng ký theo quy định của pháp luật. Nếu không đăng ký để được bảo hộ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi có một DN khác trên thị trường có ý đồ xấu, muốn sử dụng nhãn hiệu và uy tín sẵn có của DN để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Khó khăn đầu tiên là DN có thể bị mất đi quyền lợi thiết thực nhất là yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp xử lý các hành vi xâm phạm nêu trên kịp thời, bởi vì các cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu DN chứng minh quyền sở hữu đối với nhãn hiệu thông qua việc cung cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền cấp. Trường hợp không thể cung cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu theo yêu cầu, DN phải mất rất nhiều thời gian và chi phí để chứng minh được quyền sở hữu nhãn hiệu của mình thông qua các số liệu, tài liệu cụ thể.
Muốn đăng ký xác lập quyền sở hữu, nhãn hiệu của DN phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình 3 chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Khi đáp ứng được đủ các điều kiện đó, DN nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, bao gồm tờ khai đăng ký theo mẫu quy định, 5 mẫu nhãn hiệu theo kích thước được yêu cầu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định nhãn hiệu của DN có đủ điều kiện để được cấp văn bằng hay không, gồm các bước: Thẩm định đánh giá tính hợp lệ của đơn (theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn…, để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ, thời gian thẩm định hình thức là 1 - 2 tháng kể từ ngày nộp đơn); công bố đơn đăng ký nhãn hiệu trên Công báo sở hữu công nghiệp (trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ); Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung đơn nhãn hiệu (trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày công bố đơn). Thời hạn có hiệu lực của văn bằng bảo hộ là 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng luật sư PHANS)