Đã đến lúc phải chuyên nghiệp hóa…

Chưa có con số cuối cùng mà TPHCM phải trả cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vì chậm giao mặt bằng thi công, nhưng việc phải bồi thường đã gần như… khó tránh khỏi.

Trong buổi họp báo ngày 26-1-2015, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã khẳng định điều này khi nói rằng, điều khoản về các trường hợp phải bồi thường đã được ghi trong hợp đồng. Trách nhiệm của các bên là phải thực hiện đúng hợp đồng. Vấn đề hiện nay là bên yêu cầu phải chứng minh được những thiệt hại của mình…

Thực ra, những thông tin kiểu này… không mới. Trong nhiều dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng tại TPHCM và cả ở Hà Nội, tình trạng chủ đầu tư chậm giao mặt bằng cho nhà thầu thi công và bị nhà thầu đòi… phạt theo hợp đồng vẫn đang xảy ra. Chỉ có điều, cuối cùng, đa phần các nhà thầu đều… “thông cảm” cho chủ đầu tư. Không biết, nhà thầu thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có “thông cảm” cho nhà đầu tư không?

Nhưng rõ ràng, dù được thông cảm hay không được thông cảm, những vụ việc như vậy cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong công tác tổ chức thực hiện dự án, mà cụ thể là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đền bù giải phóng mặt bằng là công việc không đơn giản. Thực tế đã chứng minh điều đó. Thế nhưng, đây cũng là công việc đã được ngành chức năng, các địa phương làm hàng chục năm với hàng trăm dự án, kể từ khi tiến trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Từng ấy thời gian, từng ấy vụ việc, chẳng lẽ không có những bài học kinh nghiệm được rút ra để công tác này được tổ chức tốt hơn, nhanh hơn?

Theo một cán bộ của Ban quản lý đường sắt đô thị, một trong những lý do chính làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng tuyến metro số 1 đoạn qua tỉnh Bình Dương chậm giải phóng mặt bằng là nơi đây  “giao thoa” của 3 dự án: xây dựng tuyến metro số 1, xây dựng bến xe miền Đông và mở rộng xa lộ Hà Nội.

Ba dự án với 3 thời kỳ thực hiện khác nhau, ba khung pháp lý khác nhau, chưa kể tỉnh Bình Dương có mức đền bù giải phóng mặt bằng khác TPHCM. Người dân “không cần biết” điều ấy mà chỉ thấy rằng “nhà anh” ở sát “nhà tôi” tại sao “anh” được đền bù khác “tôi”? Những tình huống nêu trên đâu phải là cá biệt. Có thể nói TPHCM đã gặp hàng trăm trường hợp tương tự…

Mong là nhà thầu sẽ lại… thông cảm cho chủ đầu tư. Thế nhưng, còn có một điều mong muốn hơn, đó là cần tổng kết, rút kinh nghiệm và thậm chí đề xuất điều chỉnh luật nếu cần, để đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong xu thế này, sẽ ngày càng có nhiều nhà thầu đến Việt Nam.

Nếu không chuyên nghiệp, hợp lý hóa công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng bị phạt hợp đồng vì chậm giao mặt bằng. Lúc ấy, không chỉ mất tiền mà còn cho thấy một tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong việc tổ chức thực hiện các dự án liên quan đến sử dụng đất.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục