Xanh để hấp dẫn đầu tư

Cho đến nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang chảy vào Việt Nam với số lượng đáng mong muốn so với một số quốc gia khác. Nhưng xu hướng suy giảm đã khá rõ và dường như rất khó đảo ngược nếu không có những đột phá đáng kể.

Cuối tuần đầu tháng 7 vừa qua, Báo cáo Đầu tư toàn cầu đã được Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD) công bố. Theo đó, các dòng vốn tiếp tục chảy mạnh vào khu vực Đông Á và Đông Nam Á: tổng vốn FDI đổ vào Đông Á trong năm 2011 đạt 336 tỷ USD và riêng Đông Nam Á đạt 117 tỷ USD, lần lượt tăng 14% và 26% so với năm 2010. Như vậy, Đông Á hiện chiếm 22% tổng FDI toàn cầu, tăng mạnh so với mức 12% vào trước năm 2008.

Điều rất đáng nói là trong bức tranh chung khá sáng sủa đó của khu vực, Việt Nam là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á bị sụt giảm FDI đáng kể, với 7,43 tỷ USD thu hút được, nghĩa là giảm 570 triệu USD so với năm 2010 - mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Con số này thấp hơn khá nhiều so với dự kiến 11 tỷ USD được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Trong năm 2012, nếu mọi việc tiến triển theo đúng dự kiến của bộ này thì con số sẽ vào khoảng 10 tỷ USD.

Cần nói thêm rằng UNCTAD đề cập đến số vốn giải ngân, chứ không phải là số vốn đăng ký - thường có độ lệch đáng kể so với thực tế. Để góp phần cải thiện tình hình, một giải pháp được chính các nhà đầu tư “mách nước”: xúc tiến mạnh mẽ tăng trưởng xanh.

Cụ thể, tại cuộc hội thảo được tổ chức về vấn đề này, đại diện Tập đoàn đa quốc gia Siemens khẳng định, môi trường bền vững là lợi thế cạnh tranh chủ chốt của Việt Nam trong những năm tới. Các nghiên cứu của Siemens chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang song hành với việc phát thải khí CO2 nhiều hơn (tính ra lượng khí thải cho mỗi đơn vị GDP của nước ta cao hơn 70% so với khối EU).

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng gấp 2 lần mức tăng GDP trong những năm vừa qua, một mặt cho thấy người Việt Nam sung túc hơn và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, mặt khác cũng phản ánh công nghiệp sản xuất của nước ta thuộc loại “ngốn điện khủng”.

Những thực tế khác không còn xa lạ gì là tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng rõ rệt đến các khu vực ven biển; nguồn tài nguyên hóa thạch đã bước vào giai đoạn khan hiếm. Từ năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu than, sớm hơn 3 năm so với dự báo trước đó. Thêm nữa, dân số nước ta sẽ lên tới 105 triệu người vào năm 2030…

Thẳng thắn phân tích những điểm yếu này, song nhà đầu tư không quên nhấn mạnh, Việt Nam có tất cả các điều kiện cần để phát triển bền vững trong tương lai. Đó là vị trí địa lý ưu đãi, môi trường kinh doanh đang được cải thiện rõ rệt; dân số trẻ và có trình độ văn hóa. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang là thành viên tăng trưởng nhanh nhất trong khối ASEAN…

Xem ra, khuyến nghị của nhà đầu tư không mới nhưng rất đáng suy ngẫm!

ANH THƯ

 

Tin cùng chuyên mục