Việt Nam là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong bối cảnh đó cộng với việc đô thị hóa cao hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là các TP lớn như TPHCM thì việc phát triển đô thị xanh là xu hướng tất yếu. Để phát triển đô thị theo hướng thích ứng với BĐKH, cần giảm phát thải khí nhà kính qua việc thiết kế, quy hoạch đô thị có tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và “xanh hóa” nơi ở nhằm giúp môi trường trong sạch hơn và chất lượng sống của người dân cũng được nâng cao.
Bắt đầu từ công trình xanh
Theo Tổ chức Tài chính quốc tế IFC - Ngân hàng Thế giới (WB), nhu cầu xây dựng của các nước đang phát triển đang tăng nhanh hàng năm. Dự kiến đến năm 2030, hơn 50% số công trình được xây dựng mới sẽ tập trung ở châu Á. Trong đó, xây dựng là một trong những lĩnh vực gây nhiều tác hại cho môi trường, không chỉ vấn đề ô nhiễm mà còn suy thoái tài nguyên khoáng sản vì tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Ông Autif Mohammed Sayyed, chuyên gia về công trình xanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WB cho biết, việc sử dụng năng lượng cao trong các công trình sẽ là gánh nặng cho nhà nước (nhập khẩu nguyên liệu, ngân sách dành cho phát triển ít đi), cho doanh nghiệp (chi phí hoạt động tăng, lợi nhuận giảm…), cho người dân (trả nhiều chi phí điện, nước, ô nhiễm môi trường…). Trong khi đó, nếu xây dựng các tòa nhà xanh, công trình xanh ngoài việc giảm được những tác động xấu của các công trình đến sức khỏe người dân sử dụng công trình, còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các tài nguyên trong công trình như nước, nhiên liệu, năng lượng… Theo tính toán của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, tòa nhà xanh có thể tiết kiệm cho người sử dụng từ 20% - 40% chi phí vận hành.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng có tỷ lệ phủ xanh cao nhất tại TPHCM.
Thực tế cho thấy, hiện 2 công trình đầu tiên tại Việt Nam được WB cấp chứng chỉ xanh theo tiệu chuẩn EDGE cũng đã tiết kiệm rất nhiều chi phí liên quan. Cụ thể, chung cư Bridgeview của Công ty CP Đầu tư Nam Long (TPHCM) đã giảm được 31% chi phí năng lượng vì sử dụng các loại vật liệu xây dựng “xanh”, thân thiện với môi trường như: kết cấu che nắng ngoài, sơn phản quang cho tường bao và mái, sử dụng đèn tiết kiệm điện…; 22% chi phí nước vì dùng vòi sen dòng chảy thấp, bệ xí xả nước 2 nấc…; 34% chi phí về vật liệu xây dựng. Cụm công trình FPT (Đà Nẵng) cũng giảm được 21% chi phí năng lượng, 32% chi phí nước và 20% lượng vật liệu xây dựng…
Các doanh nghiệp xây dựng những công trình xanh này thừa nhận, mặc dù các công trình xanh có đội chi phí đầu tư ban đầu tăng cao, nhưng với nhận thức rằng công trình xanh có thể tiết kiệm tối đa chi phí sử dụng năng lượng cho công trình và về lâu dài có lợi rất nhiều so với chi phí bị đội lên ban đầu. Trong đó, những công trình xanh thường có giá trị gia tăng rất cao: giá thuê (văn phòng, căn hộ dịch vụ, khách sạn…) được giá hơn vì có thể tiết kiệm nhiều chi phí cho người sử dụng; các chung cư, tòa nhà xanh cũng sẽ bán được giá hơn và có khả năng sinh lời trên thị trường cao hơn rất nhiều so với những công trình không “xanh” có cùng vị trí. Chuyên gia Autif Mohammed Sayyed cũng cho biết, giá trị bất động sản của các công trình xanh sẽ tăng lên rất nhiều. “Các công trình không xanh đầu vào có thể thấp nhưng sẽ ngốn chi phí vận hành về sau rất lớn, trong đó, người sử dụng công trình phải chịu những chi phí này”, ông Autif Mohammed Sayyed nhấn mạnh.
Đưa không gian xanh vào môi trường sống
Việc nghiên cứu, triển khai quy hoạch và xây dựng đô thị xanh trở thành xu hướng chung của các nước trên thế giới. Việt Nam có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và các công trình kiến trúc xanh. Thuận lợi hơn là Việt Nam có thể học tập, rút kinh nghiệm đi trước từ các nước phát triển để áp dụng. Tuy nhiên, việc hướng đến xây dựng đô thị xanh ở Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại. Trong đó, việc phát triển cây xanh tại các đô thị dường như bị xem nhẹ. Nhiều nhà đầu tư sao nhãng việc phải dành một diện tích đất nhất định để trồng cây xanh, tạo không gian xanh cho đô thị.
Không gian xanh đang trở thành tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị tại Việt Nam. Chính vì thế, khái niệm “đô thị xanh” hiện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và nhà đầu tư bất động sản. Bởi lẽ, đô thị xanh càng trở nên quan trọng hơn khi ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn ngày một gia tăng ở các đô thị lớn. Người dân có xu hướng muốn được sở hữu ngôi nhà thoáng đãng trong không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên nhưng vẫn tiện nghi, thuận tiện.
Theo các chuyên gia đô thị, một đô thị xanh hiện nay phải đạt các tiêu chí: không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa, cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên. Hiện nay, một số khu đô thị tại Việt Nam đã áp dụng các tiêu chí này và ứng dụng bài học thực tiễn của các nước trên thế giới vào việc xây dựng, quy hoạch các khu dân cư nhằm tăng giá trị của các bất động sản trong khu vực này. Và thực tế tại các khu đô thị mới có những không gian xanh, mảng xanh, cảnh quan môi trường tốt… như khu Thảo Điền (quận 2), đặc biệt là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) với diện tích phủ xanh là 124ha trên tổng số 433ha quy hoạch tổng thể - là đô thị có tỷ lệ phủ xanh cao nhất tại TPHCM với mật độ cây xanh bình quân 8,9m2/người đã tăng giá trị lên rất nhiều. Theo lãnh đạo Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, sự phát triển theo mô hình đô thị xanh với việc đưa các mảng xanh, không gian xanh vào môi trường sống, nên trong tình hình trầm lắng của thị trường bất động sản, các dự án tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng vẫn hút người mua, nhiều công ty đa quốc gia vẫn đến đặt cơ sở kinh doanh tại đây.
BÌNH KHÔI