Xây dựng chung cư xanh - xu hướng tất yếu

Đỉnh triều cuối năm 2017 đã đạt mốc mới, tại Trạm Phú An trên sông Sài Gòn đạt mức 1,71m (đỉnh triều năm 2014 là 1,68m). Rõ ràng, việc ứng phó với ngập nước tại TPHCM luôn là vấn đề lớn, ngày càng phức tạp. 
Để đời sống, sinh hoạt của người dân thích nghi tốt hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc gia tăng các công trình nhà ở thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, phát triển bền vững là hết sức quan trọng.
Xây dựng chung cư xanh - xu hướng tất yếu ảnh 1 Cao ốc căn hộ xanh là xu hướng tất yếu
Ảnh: THÀNH TRÍ
 Quả ngọt đầu tiên

Lâu nay, việc trồng cây xanh trên các căn hộ là do cư dân yêu thích thiên nhiên, trồng thêm hoa lá cho vui mắt. Còn chủ đầu tư, cao lắm chỉ dành khiêm tốn diện tích đất trong khuôn viên chung cư trồng bồn hoa, cây kiểng hoặc dành diện tích nhỏ của tầng nào đó trên cao để làm “nhà ở sân vườn trên cao”. Nhìn chung, chủ đầu tư tính toán triển khai diện tích thương mại tối đa, bán thu tiền là chính, chứ ít khi nghĩ tới việc tăng mảng cây xanh. Bây giờ, tại TP bắt đầu xuất hiện tòa nhà cây xanh đầu tiên… 

Nếu không có gì thay đổi, trong quý 1-2018, những cư dân đầu tiên của dự án Diamond Lotus Riverside, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Khang làm chủ đầu tư, sẽ được nhận những căn hộ đầu tiên. Nếu loại bỏ nhiều tiện ích của dự án mà chủ đầu tư quảng cáo, nổi bật lên và khác với toàn bộ dự án nhà chung cư khác đã và đang xây dựng tại Việt Nam, chính là việc trồng cây xanh trên thân nhà chung cư. Nếu từ bên ngoài nhìn vào sẽ thấy xanh dịu tầm mắt, bởi những ô cửa sổ hoặc lan can của tòa nhà sẽ được phủ thảm xanh, cây hoặc dây leo thật chứ không phải sơn màu xanh. Tiếp đó, các vật liệu xây dựng và sử dụng trong tòa nhà đều đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nước, cách nhiệt… “Đó là thách thức thật sự khi tổ chức triển khai xây dựng, đây cũng là tòa chung cư đầu tiên chúng tôi thực hiện. Vì chọn lối đi khác biệt, xây dựng căn hộ xanh đáp ứng những nhu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn của Mỹ, nên đối mặt với khó khăn. Khi đàm phán với nhà thầu uy tín số một Việt Nam, họ bảo không làm được. Sau khi nghiên cứu, họ đồng ý thực hiện nhưng giá thành đẩy lên 30% so với xây dựng thông thường. Tuy giá thành nâng lên, nhưng tòa nhà đi vào hoạt động thì các nhiên liệu sử dụng như điện, nước… sẽ được tiết giảm”,  bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Khang, kể lại. 

Với cách làm này, mới đây công ty đã có thêm đối tác hợp lực, đó là Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đầu tư 30 triệu USD vào lốc nhà còn lại của dự án, đồng thời trở thành đối tác chiến lược để khai thác các quỹ đất khác.

Làn sóng xanh?

Nếu so với hàng chục năm trước, khi Công ty Địa ốc Đất Lành tự hào với dự án chung cư Thái An “tất cả phòng ngủ đều có nắng và gió”, thì nay xu hướng thiết kế xây dựng chung cư đã bước sang trào lưu căn hộ xanh, kéo gần hơn với thiên nhiên được quảng cáo rầm rộ.

Một dự án tại quận 7 liên kết với nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, quảng cáo rầm rộ các loại vườn trên tòa nhà chung cư: vườn trên không, vườn Cha-Niwa, vườn thiền… Cũng có thể kể thêm, đó là căn hộ theo kiểu Ý, kiểu Đức cũng xuất hiện trên các trang quảng cáo.

Trước đây, thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, việc sử dụng năng lượng tại nhiều tòa nhà cao tầng còn bất cập gây thất thoát, lãng phí, chưa hiệu quả. Nguyên nhân ngoài ý thức của người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm còn hạn chế, các quy định còn thiếu, chưa đồng bộ. Các tòa nhà đang hoạt động, nếu cải tạo hệ thống sử dụng năng lượng có thể tiết kiệm 15% - 20% chi phí sử dụng năng lượng, trong khi đó các tòa nhà mới nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp, mức tiết kiệm sẽ lên đến 30% - 40%. Trong một lần trao đổi với giới truyền thông, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), cho rằng việc áp dụng công trình đúng chuẩn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người mua và chủ đầu tư. Cụ thể, chi phí vận hành thấp, giá trị công trình sau khi bán tăng lên; giá cho thuê cao; tăng năng suất làm việc của người sử dụng; quan trọng là tuyên truyền cho mọi người về giá trị bền vững của môi trường sống mà Việt Nam đang thiếu.

Không dừng lại ở việc tuyên truyền cho người dân, giờ đã đến lúc luật hóa công trình xanh vào quy chuẩn xây dựng, bắt buộc chủ đầu tư phải xây dựng công trình gần gũi với thiên nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm cho các công trình. Điều đó sẽ tốt cho người sử dụng, tốt cho quản lý đô thị, đặc biệt là tạo nên môi trường sống thân thiện.

Tin cùng chuyên mục