Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện tốt chủ trương này, tôi cho rằng, cần đặc biệt chú trọng các khâu lựa chọn, đào tạo, quản lý đánh giá và bố trí sử dụng cán bộ.
Hiện nay, nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chính trị của đất nước khá dồi dào. Nhưng vì đây là đội ngũ cán bộ lãnh đạo - người trị nước - nên phải tìm ngay từ đầu những người có những phẩm chất mà người xưa đã đúc kết “thành ý, chính tâm, trí tri, cách vật”. Những phẩm chất này tạm hiểu là người chân thành, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và đề phòng kẻ cơ hội; có lương tâm trong sáng, sống vì mọi người, sống vì nhân dân trước hết là nhân dân lao động; những người có trí tuệ, có sáng kiến, có chỉ số thông minh cao, không chỉ là người có bằng cấp; những người động cơ trong sáng, không vì tư lợi cá nhân, bị vật chất cám dỗ.
Bốn phẩm chất trên đây sẽ được bồi dưỡng giữ gìn, bổ sung trong quá trình phấn đấu. Nhưng những người mà ngay từ trẻ đã có những dấu hiệu trái với những phẩm chất trên, cấp ủy nên cân nhắc kỹ lưỡng, tốt nhất là không nên đưa vào diện quy hoạch.
Về khâu đào tạo bồi dưỡng, người cán bộ lãnh đạo quản lý trong điều kiện hiện nay phải được đào tạo vừa cơ bản hệ thống vừa đa dạng. Đảng, Nhà nước cần tạo điều kiện để họ được học tập rèn luyện ở nhiều môi trường khác nhau như kinh tế, chính trị, kỹ thuật, trong nước, ngoài nước... Tuy nhiên dù ở môi trường nào, Đảng, Nhà nước cũng phải giao cho họ tự học là quyết định, suốt đời “tu thân” để “trị quốc”.
Vấn đề lớn nhất và được dư luận quan tâm nhất hiện nay là quản lý, sử dụng, đề bạt cán bộ trong các mối quan hệ. Cán bộ phải gắn bó với người lao động, với đông đảo quần chúng, với tổ chức Đảng, đoàn thể để học tập rèn luyện, để phục vụ. Hiện nay đang tồn tại các chứng bệnh mà trước đây Bác Hồ đã cảnh báo: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Vì những bệnh đó, kết quả những người kia làm bậy mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng ngày càng hư hỏng” (Hồ Chí Minh - Toàn tập năm 1995). Căn bệnh đang tồn tại, rất nguy hiểm là tình trạng “chạy” chức. Thực ra bệnh “chạy” chức rất có khả năng chữa trị vì nằm ngay trong hệ thống của ta. Nếu cán bộ cấp trên gương mẫu thực sự, sẽ không có chuyện “chạy” chức.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta cắt bỏ được bệnh hẹp hòi và bệnh “chạy” chức trong bố trí cán bộ thì đó là yếu tố quyết định nhất để Đảng, Nhà nước có một đội ngũ cán bộ đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đề ra.
Nguyễn Sỹ Nồng
(Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM)