Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ yêu Tổ quốc, đoàn kết gắn bó với nhân dân

MINH AN
Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ yêu Tổ quốc, đoàn kết gắn bó với nhân dân

(SGGPO). – Ngày 24-4, tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo chủ đề “40 năm văn nghệ Việt Nam – Đổi mới và hội nhập”.

Đến dự có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cùng các đồng chí lãnh đạo HĐND, UB MTTQVN tỉnh Tây Ninh.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Lê Minh

Trên cơ sở nhìn lại thực trạng văn học nghệ thuật 40 năm qua, từ sau ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, hội thảo nhận thức rõ và khẳng định những thành tựu chủ yếu của các văn nghệ sĩ trên các lĩnh vực: Đổi mới tư duy nghệ thuật; Sáng tạo tác phẩm; Hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình; Quảng bá giao lưu và hội nhập VHNT giữa các vùng miền trong nước, trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới; Phát triển và củng cố tổ chức Hội VHNT các cấp cùng đoàn kết, hành động với tính chất là những tổ chức chính trị - xã hội do Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý; Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ yêu Tổ quốc, gắn bó với nhân dân, tâm huyết với nghề, đem sức lực và tài năng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Xây dựng con người Việt Nam văn minh, xã hội dân chủ, phát triển bền vững.

Văn học nghệ thuật Việt Nam qua 40 năm vận động, diễn tiến trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình quốc tế phức tạp. Để thoát khỏi sự khủng hoảng kinh tế - xã hội thời hậu chiến do kéo dài tình trạng tập trung quan liêu, bao cấp trì trệ, từ năm 1986, Đảng đã phát động cao trào đổi mới toàn xã hội, trên mọi lĩnh vực. Với đường lối đối nội, đối ngoại sáng tạo, độc lập, tự chủ, đồi mới về tư duy chính trị, tư duy kinh tế - xã hội và đổi mới tư duy văn hóa, nền văn học nghệ thuật do Đảng CSVN khởi xướng, những định hướng chiến lược đổi mới được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện đã đưa Việt Nam thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng, phát triển ổn định như ngày nay. Có thể nói, chính đường lối văn hóa nghệ thuật và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự đổi mới và phát triển của văn hóa nghệ thuật 40 năm qua.

Bên cạnh những thành tựu nhất định, hội thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng trong nước và sự hội nhập quốc tế. Đó là cần khắc phục tính nghiệp dư để nâng cao chất lượng các hoạt động văn học nghệ thuật ở trình độ chuyên nghiệp, vươn lên tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Hiện chúng ta vẫn còn hiếm những tác phẩm xuất sắc với tác giả có tầm cỡ, có giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao đem lại sự thuyết phục mạnh mẽ đối với giới VHNT trong nước và quốc tế. Đó là cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT, nhất là đội ngũ trẻ, khai thác hiệu quả những tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc; kịp thời đấu tranh với những quan điểm, lý luận lệch lạc, sai trái, đảm bảo nền VHNT phát triển lành mạnh, mạnh mẽ theo đường lối của Đảng. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài.


MINH AN

Tin cùng chuyên mục