Bài 1: Về đâu nhà văn hóa thể thao phường xã?
Thực hiện Quyết định 271 ngày 31-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010, TPHCM đã đề ra mục tiêu xây dựng Nhà văn hóa - thể dục thể thao (NVH-TDTT) ở 100% phường, xã. Nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất cập và hoạt động thiếu hiệu quả…
- Cơ sở vật chất và thực chất hoạt động
Theo Phòng Văn hóa - Gia đình, Sở VH-TT-DL TPHCM, đến nay, TPHCM chỉ mới xây dựng được 66 NVH-TDTT phường, xã, hoàn thành 20% số phường, xã trên địa bàn TPHCM có thiết chế này. So với các địa phương trên cả nước, TPHCM là địa phương xây dựng NVH-TDTT phường, xã chậm hơn hết. Một số phường xã đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, trong số đó có NVH-TDTT xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi được xây dựng trên diện tích hơn 1 ha, với kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
Chủ nhiệm NVH-TDTT xã Thái Mỹ Phạm Quốc Vinh cho biết từ mấy năm nay, công trình này chủ yếu phục vụ nhu cầu đọc sách; các em thiếu nhi đến học đàn; thanh niên chơi bóng chuyền miễn phí… và một phòng Internet phục vụ học tập, thư giãn. Ngày 20-4, NVH-TDTT xã vừa có thêm phòng tập thể hình… Tuy nhiên, nếu muốn đẩy mạnh hoạt động, sắp tới chúng tôi phải xã hội hóa, kêu gọi các tập thể và tư nhân đầu tư xây dựng thêm sân bóng đá mini cỏ nhân tạo.
Ở quận 8 hiện có 6 phường xây dựng NVH-TDTT. Tuy nhiên, những công trình này chưa thực sự trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao cho người dân ở địa phương. Còn NVH-TDTT phường 3, quận 8 lại nằm sâu trong hẻm đường Âu Dương Lân, phía ngoài không hề đặt bảng hiệu nên ít ai biết. NVH-TDTT phường 3 được xây dựng hai tầng lầu với kinh phí đầu tư cả tỷ đồng, nhưng hoạt động cũng chỉ lèo tèo, hiếm khi có những chương trình sinh hoạt văn hóa chất lượng phục vụ nhân dân.
Nơi được xem là lãng phí nhất, gây khó chịu cho người dân nhất, có thể kể đến NVH-TDTT phường 10 nằm trên đường Ba Đình, cách UBND phường 10 hơn 100m. Khi đến nơi này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi ngay tầng trệt của công trình này là quán cà phê, điểm tâm và có một sòng bài. Ông chủ quán cà phê, điểm tâm cho biết: “Ở đây chủ yếu tôi bán cà phê, điểm tâm, chứ có thấy hoạt động văn hóa, thể thao gì đâu!”.
- Xây dựng nhiều, lãng phí lớn?
Có thể khẳng định, rất cần thiết xây dựng cơ sở vật chất NVH-TDTT phường xã để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc quy hoạch, xây dựng những công trình này cần hết sức thận trọng, nếu không khó tránh tình trạng lãng phí. Theo nhìn nhận của một số nhà quản lý văn hóa, hiện nay, chúng ta chưa có những quy chế chung cho hoạt động của NHV-TDTT phường, xã nên mỗi nơi hoạt động một kiểu.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất này thường được giao các địa phương quản lý, khai thác. Nhưng trên thực tế, hầu hết các địa phương đều thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn nên việc phát huy hiệu quả còn rất hạn chế. Đồng thời, hầu hết các NVH-TDTT đều không có nguồn kinh phí ổn định mà đều phụ thuộc vào ngân sách phường, xã nên người phụ trách rất khó chủ động… Trước những thực tế hạn chế này, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu TPHCM càng đẩy mạnh xây dựng nhiều NVH-TDTT phường xã sẽ lãng phí càng nhiều.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Văn hóa - Gia đình, Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết: Mặc dù việc xây dựng NVH-TDTT phường, xã trên địa bàn TPHCM mới chỉ đạt 20%, chậm hơn các địa phương khác, nhưng chúng tôi tham mưu với lãnh đạo thành phố không đẩy nhanh tiến độ xây dựng để tránh tình trạng lãng phí. Còn ông Nguyễn Văn Thâm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi cho rằng, trong tình hình khó khăn như hiện nay, TPHCM nên tiến hành xây dựng NVH-TDTT liên phường, liên xã là tốt nhất. Khi làm điều này sẽ vừa hạn chế được kinh phí đầu tư, lại vừa tránh sự lãng phí cơ sở vật chất.
Theo Chủ nhiệm NVH-TDTT phường 2, quận 8 Võ La Hiền, khi chuẩn bị xây dựng cơ sở vật chất văn hóa - thể thao ở phường xã, đơn vị đầu tư nên lấy ý kiến các nhà chuyên môn, đơn vị thụ hưởng để công trình đáp ứng được những hoạt động của địa phương. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nếu muốn phát huy hiệu quả, các NVH-TDTT phường xã nên mạnh dạn xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thể dục thể thao. Đồng thời, việc chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để đảm trách các NVH-TDTT phường xã cũng là một nhu cầu chính đáng. Điều đó tạo tiền đề để khuấy động phong trào, tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn, thu hút nhân dân đến sinh hoạt.
Rõ ràng, với các NVH-TDTT phường xã đã được xây dựng, TPHCM cần rà soát lại hiệu quả hoạt động để kịp thời chấn chỉnh những nơi hoạt động không đúng công năng, kém hiệu quả. Đồng thời, sớm có những quy chế hoạt động của NVH-TDTT phường xã, cũng như đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực này để có thể tổ chức hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả đích thực hơn!
VÂN AN
Bài 2: Chợ văn hóa “3 không”
Tọa lạc trên đường Lê Đức Thọ, phường 17 quận Gò Vấp, chợ An Nhơn có diện tích khá khiêm tốn. Thế nhưng, những ai đã từng đến với ngôi chợ nhỏ bé này hẳn sẽ có những ấn tượng khó quên, bởi thái độ phục vụ khách hàng ân cần, văn minh và lịch sự của tiểu thương nơi đây. Chợ xây dựng nếp sống văn hóa theo tiêu chí “3 không”: không chèo kéo tranh giành khách, không nói thách, không cân thiếu và “một có”: hàng hóa có chất lượng.
Mua bán có văn hóa
Quẹo xe máy vào điểm giữ xe ngay khu nhà lồng chợ gần 10 giờ sáng, vừa quay ra, chị giữ xe ôn tồn: “Em gởi xe vô chợ lâu mau?”. Thấy khách ngạc nhiên, chị giải thích luôn: “Chị chỉ giữ xe đến 11 giờ thôi. Kịp giờ thì em gởi, không thì chịu khó chạy qua chỗ có tấm bạt nhựa gởi nhé!”. Chị hướng dẫn chúng tôi khá tận tình và nhất định không lấy tiền dù vé đã xé.
Dạo quanh một vòng chợ, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ở mỗi khu hàng đều có bảng niêm yết giá cả rõ ràng. Ở từng khu vực, từ quầy hàng bách hóa mỹ phẩm, quần áo, rau củ quả đến hàng ăn uống, hàng thịt đều được sắp xếp ngăn nắp, thông thoáng và sạch sẽ. Thái độ tiểu thương khá ân cần, lịch sự.
Chị Trương Lệ Hương, Tổ trưởng Tổ bách hóa mỹ phẩm, là người đã có trên 20 năm gắn bó với ngành hàng này, chia sẻ: “Bà con xung quanh đây phần đông là lao động có thu nhập thấp nên khi chọn hàng về bán tôi phải tìm nguồn hàng có chất lượng và nhất là giá cả phải hợp lý. Không chỉ riêng tôi, tập thể anh chị em tiểu thương ở đây đều tâm niệm điều này và chúng tôi lấy sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu phục vụ. Khách hàng đã hài lòng thì họ sẽ trở lại với mình”.
Vừa qua, cũng như nhiều địa phương khác, tình hình kinh doanh ở chợ An Nhơn gặp nhiều khó khăn, do nhiều chợ tự phát bao vây xung quanh, nhiều siêu thị ra đời phần nào đã làm giảm đáng kể mãi lực ở đây. Hơn nữa cũng do người dân thực hiện tiết kiệm và tiết giảm chi tiêu.
Chưa kể thời gian qua, dịch bệnh trên gia súc gia cầm - nhất là dịch heo tai xanh hoành hành đã khiến nhiều người lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm khi ra chợ. Hiểu được tâm lý này, Ban quản lý chợ và Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng động viên để tiểu thương không lo lắng và càng chú trọng hơn thái độ phục vụ, cân đong chính xác, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vệ sinh môi trường để thu hút khách hàng, từ đó được khách hàng tin yêu.
Chị Nguyễn Thị Bạch Yến, tiểu thương bán thịt heo, cho biết: “Chúng tôi hiểu tâm lý khách hàng nên quyết tâm lấy chất lượng, thái độ phục vụ để tạo sự yên tâm, xây dựng phong cách mua bán có văn hóa. Tất cả các quầy thịt ở chợ đều bảo đảm tiêu chuẩn, có chứng nhận đầy đủ và qua kiểm dịch an toàn”.
- Tạo được niềm tin
Thực hiện xây dựng đơn vị văn minh thương nghiệp, từ nhiều năm nay ở ngôi chợ nhỏ bé này đã không còn tệ nói thách, chèo kéo giành khách, cân đong đúng đủ.
Ban quản lý cho đặt 2 chiếc cân thử trong chợ, nếu khách chưa hài lòng có thể cân kiểm chứng, tuy nhiên “Tôi ở trọ gần đây nên ngày nào cũng đi chợ này. Những người buôn bán ở đây chưa bao giờ cân thiếu. Tôi vui và tin tưởng khi mua hàng ở chợ này”, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, thuê trọ trên đường Lê Đức Thọ, cho biết.
Chị Nguyễn Thị Yến, Trưởng ban Quản lý chợ An Nhơn, nói: “Thật ra, toàn thể anh chị em tiểu thương đều nhận thức được tình hình là khó khăn chung nên cùng đồng lòng, cùng đoàn kết vượt qua cơn khó. Nhiều năm nay, ban quản lý đứng ra bảo lãnh cho hàng chục lượt tiểu thương vay vốn tín chấp hàng trăm triệu đồng mỗi năm”. Kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng theo chị Yến, việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế ở đây luôn đạt 100%, không hộ nào tồn đọng.
Những vấn đề liên quan đến việc kinh doanh của tiểu thương như hiệp thương thuế, mức phí hoa chi, điện nước, mua bảo hiểm hàng hóa… luôn được bàn bạc dân chủ, công khai với từng tổ ngành hàng. Không chỉ tương trợ nhau trong kinh doanh, các tiểu thương nơi đây còn tích cực tham gia và đóng góp ủng hộ các hoạt động từ thiện xã hội.
Để việc kinh doanh của các tiểu thương thuận lợi hơn và thu hút khách hàng, Ban quản lý chợ An Nhơn đang thực hiện việc sửa chữa. Trong tháng 5, các hộ kinh doanh sẽ hoàn tất việc nâng sạp. Tiếp đó, trong quý 3 và quý 4, sẽ triển khai nâng nền để chợ khang trang, sạch đẹp hơn. |
Minh An
Bài 3: Thư viện tư nhân từ tình yêu với sách
Đến khi nghỉ hưu, sở hữu một tủ sách đồ sộ, ông Phạm Thế Cường bỗng nảy ra ý định chia sẻ số sách của mình với mọi người thích đọc sách ở địa phương. Ngày 18-5-2008, thư viện tư nhân Phạm Thế Cường số 130/1B Lê Văn Thọ, P11, quận Gò Vấp ra đời trong sự vui mừng của đông đảo người dân trong khu vực.
Phục vụ miễn phí
Học sinh tiểu học chính là những bạn đọc đông nhất hiện nay của thư viện tư nhân Phạm Thế Cường, từ các trường tiểu học xung quanh như Minh Khai, Phan Chu Trinh, Chi Lăng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du… các em đều biết đến thư viện của ông Cường, nơi mà mỗi tối thứ tư, sáu và chủ nhật có thể đến tìm đọc đủ loại sách. Vào lúc cao điểm, thư viện chật ních với hơn 40 em thiếu nhi đến đọc sách. Để cập nhật số sách cho các em, mỗi tháng ông Phạm Thế Cường dành ra từ 400-500 ngàn đồng mua sách thiếu nhi.
Không chỉ đọc sách thuần túy, Thư viện Phạm Thế Cường còn tổ chức các hoạt động văn hóa khác như thành lập và đưa vào hoạt động CLB Em yêu khoa học và CLB Sử-Địa. Cứ mỗi tháng, cả 2 CLB lại có một buổi sinh hoạt theo chủ đề, các em sẽ được hướng dẫn đọc và thảo luận về các loại sách có nội dung liên quan. Thư viện còn tổ chức các buổi sinh hoạt dã ngoại miễn phí, khi thì đi thăm các bảo tàng, lúc lại đến những thư viện lớn…
Tủ sách người lớn của thư viện khá ấn tượng với những cuốn sách bác Cường đã sưu tầm gần như quá nửa cuộc đời. Tại đây có nhiều đầu sách quý, hiếm được in từ lâu đã không còn tái bản. Các bạn đọc sinh viên, nhà nghiên cứu biết tiếng đều tìm đến để được tiếp cận nguồn tri thức này.
Tất cả những hoạt động trên của Thư viện Phạm Thế Cường đều có một điểm chung là tinh thần phục vụ nhiệt tình và miễn phí. Như việc cho mượn sách, ông Cường chủ trương “các em muốn đọc là mừng rồi” nên hoàn toàn không có bất cứ khoản tiền nào như thế chân hay thậm chí bồi thường khi mất sách. Ở tủ sách người lớn, dù có nhiều cuốn sách hiếm nhưng việc sao chép, tham khảo cũng tự do, hoàn toàn không có một khoản thu nào. “Được chia sẻ sự yêu thích sách đến với mọi người đó là một niềm hạnh phúc”, ông Cường tâm sự.
Thúc đẩy văn hóa đọc ở cơ sở
Niềm yêu sách này không chỉ thể hiện ở việc giữ gìn sách, chia sẻ sách mà còn ở chỗ “đọc sách”. Mê sách và có thói quen đọc sách từ bé mỗi ngày ít nhất ông Cường cũng đọc từ 300 đến 400 trang sách, ngày nhiều có thể lên đến 700-800 trang.
Một thực tế hiện nay là có nhiều thủ thư nhưng lại ít đọc. Thư viện Phạm Thế Cường vì thế có một nét riêng, thủ thư của thư viện rất am hiểu về sách, điều này giúp cho ông Cường có một cách nhìn nhận, đánh giá về sách mang tính tích cực.
Lấy mảng sách thiếu nhi làm tiêu biểu, ông Cường phân loại bạn đọc để chọn mua sách, các em lớp 1, 2 thì có các loại sách cổ tích, tấm gương hiếu thảo, lớp 3, 4 thì hướng vào thói quen đọc truyện chữ… Các sách đều được chọn nội dung theo 4 tiêu chí: giải trí, giáo dục, thẩm mỹ và kiến thức. Các loại truyện tranh bác không quen đọc thì có hai cậu con trai hơn 20 tuổi “kiểm duyệt”.
Nhớ lại lúc ban đầu khi bác đề ra việc các em tự chọn sách, tự ghi sổ mượn, tự trả, tự cất… một thủ thư của thư viện quận đã cho rằng “không thể có chuyện đó”. Nhưng niềm tin vào các em đã thành công, khoe cuốn sổ mượn sách nguệch ngoạc đủ kiểu chữ của các cô cậu bé mới biết viết, ông Cường kể: “Ban đầu, các em vô tâm lắm, mượn sách đọc thì bỏ lăn lóc, vào ra thì không thưa gửi. Tôi cũng không nói gì, chỉ khi có cơ hội, mượn chuyện trong sách để góp ý, các em thấm dần, nay cứ ra thưa vào chào, sách lấy đâu thì cất đúng đấy”.
Những mô hình thư viện tư nhân như Thư viện Phạm Thế Cường đã góp một phần tích cực trong việc phát triển văn hóa đọc trên địa bàn dân cư. Đây là nét đẹp văn hóa cần được khuyến khích nhân rộng để xã hội có nhiều hơn nữa các điểm sáng văn hóa ở cơ sở.
TƯỜNG VY