Xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải rắn

Quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng là một trong những lĩnh vực lớn của hệ thống quản lý các cơ sở hạ tầng đô thị (cấp điện và năng lượng, giao thông, cấp thoát nước…). Hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý trong lĩnh vực này tác động hàng ngày, hàng giờ đến chất lượng cuộc sống của mỗi người dân trên địa bàn TPHCM. Việc xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý chất thải rắn, bao gồm quản lý hành chính (cơ cấu tổ chức, văn bản pháp luật, nhân lực và tài chính công) và kỹ thuật - công nghệ (thu gom, trung chuyển và vận chuyển, tái chế và xử lý, chôn lấp vệ sinh) sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của hệ thống và giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau.
Xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải rắn

Quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng là một trong những lĩnh vực lớn của hệ thống quản lý các cơ sở hạ tầng đô thị (cấp điện và năng lượng, giao thông, cấp thoát nước…). Hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý trong lĩnh vực này tác động hàng ngày, hàng giờ đến chất lượng cuộc sống của mỗi người dân trên địa bàn TPHCM. Việc xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý chất thải rắn, bao gồm quản lý hành chính (cơ cấu tổ chức, văn bản pháp luật, nhân lực và tài chính công) và kỹ thuật - công nghệ (thu gom, trung chuyển và vận chuyển, tái chế và xử lý, chôn lấp vệ sinh) sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của hệ thống và giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau.

Xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải rắn ảnh 1

Thu gom chất thải rắn sinh hoạt để tái chế tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Hệ thống kỹ thuật - công nghệ quản lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm: (1) lưu giữ tại nguồn phát thải, (2) thu gom tại nguồn phát thải và trên đường phố, (3) trung chuyển và vận chuyển, (4) tái chế và xử lý, (5) chôn lấp vệ sinh. Tất cả các công đoạn (1 - 5) của toàn bộ hệ thống có quan hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt khi thực hiện các phương thức quản lý mới nhằm tăng cường hoạt động tái chế (nguyên liệu và năng lượng), giảm khối lượng chất thải ra các bãi chôn lấp, giảm phát thải các bon và phát triển bền vững. Hơn nữa, trong khi nhiều đô thị trên thế giới, dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đang được chi trả toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách nhà nước (dịch vụ công) và thành phố chưa có khả năng thu đúng và thu đủ phí vệ sinh theo nguyên tắc “người hưởng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ” thì việc giảm chi phí này chỉ có thể thực hiện bằng việc đầu tư hợp lý về trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các nguồn nhiên liệu/năng lượng sạch và phối hợp đồng bộ cả hệ thống. Một vấn đề ngày càng rõ ràng là lợi ích kinh tế của công đoạn tái chế (nguyên vật liệu và năng lượng) sẽ hỗ trợ đắc lực để nâng cao hiệu quả của hệ thống thu gom chất thải tại nguồn - hệ thống thu gom rác dân lập, hệ thống đang thu gom 70% - 80% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố.

Mỗi công đoạn của hệ thống kỹ thuật - công nghệ có chức năng và yêu cầu trang thiết bị khác nhau. Cụ thể như sau:

(1) Lưu giữ tại nguồn: Tại các nguồn phát thải (hộ gia đình, cơ quan, trường học, siêu thị, chợ…) chất thải rắn sinh hoạt thường được chứa trong thùng (plastic, inox, tre…) với dung tích khác nhau (10 - 120L, có thể đến 660L) phù hợp cho hoạt động chuyên chở. Các thùng đựng chất thải (số lượng và cấu tạo) sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh và cảm quan (nước rỉ rác, mùi, chuột, gián…). Việc phân loại chất thải tại nguồn thành hai loại (hoặc nhiều hơn) sẽ được thực hiện tại công đoạn này. Khi thực hiện công tác phân loại, mỗi chủ nguồn thải phải có ít nhất hai thùng đựng chất thải, một thùng đựng chất thải thực phẩm và một thùng đựng các loại chất thải còn lại.

(2) Thu gom tại nguồn: Do đặc thù của TPHCM (nhiệt độ và độ ẩm cao) nên chất thải rắn sinh hoạt (có thành phần thực phẩm dễ thối rữa chiếm 40% - 60% khối lượng ướt) đang được thu gom mỗi ngày bằng xe đẩy tay (660L), xe tải nhỏ (0,5 - 1,0 tấn/xe) các loại và đưa về các bô/trạm trung chuyển. Hiện nay, TPHCM  đang có khoảng 3.000 - 3.500 xe đẩy tay 660L (giá khoảng 7 - 9 triệu đồng/xe) và hơn 100 xe tải nhỏ (giá khoảng 300 - 350 triệu đồng/xe) hoạt động hàng ngày. Mức độ vệ sinh của các loại xe này quyết định tính thẩm mỹ và vệ sinh trên đường phố. Đây là thành phần quan trọng nhất cần được đầu tư từ (a) nguồn tài chính công hoặc (b) lợi ích kinh tế có được từ khâu tái chế để nâng cao hiệu quả (môi trường và thẩm mỹ) của hệ thống quản lý chất thải rắn. Hoạt động phân loại và tái chế các chất thải có giá trị được thực hiện chủ yếu ở khâu này với sự tham gia của 16.000 - 18.000 lao động. Việc cải tiến xe đẩy tay (660L) thủ công thành xe bán cơ giới mang lại lợi ích to lớn cho cá nhân người thu gom (vận chuyển nhanh hơn, quãng đường dài hơn, đầu tư xe đẩy tay ít hơn) và cho cả thành phố (số lượng điểm hẹn và trạm trung chuyển ít hơn).

(3) Trung chuyển và vận chuyển: Thành phố đang sử dụng các xe ép rác chuyên dụng có tải trọng 4 - 15 tấn/xe để vận chuyển chất thải từ các trạm trung chuyển (kín/hở) lên các khu liên hợp nhằm giảm chi phí vận chuyển (chiếm 50% chi phí quản lý chất thải rắn). Thành phố có khoảng 500 - 700 xe vận chuyển chất thải rắn các loại và khoảng 40 trạm trung chuyển kín/hở quy mô khác nhau. Các phương tiện vận chuyển đạt chất lượng môi trường và cảm quan, tuy nhiên chất lượng cần được đầu tư nhiều hơn do chất thải rắn (nước và khí thải) có khả năng ăn mòn cao. Các trạm trung chuyển cũng cần cải tiến để đảm bảo các quy chuẩn về môi trường. Với vốn đầu tư rất lớn (25 - 30 tỷ đồng/trạm) nên cần xem xét phương án thu gom và vận chuyển thẳng đến các khu xử lý của Nhật và một số nước châu Âu.

(4) Tái chế và xử lý: Đây là bộ phận mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường lớn nhất, nhưng cũng đòi hỏi kỹ thuật - công nghệ, vốn đầu tư và chi phí vận hành cao. Thành phố đang có 2 nhà máy sản xuất compost công suất tổng cộng 2.000 tấn/ngày và trên dưới 1.200 cơ sở tái chế phế liệu. Ước tính phần nguyên liệu tái chế mang lại cho thành phố khoảng 900 tỷ đồng/năm và phần năng lượng - compost mang lại cho thành phố khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.

(5) Bãi chôn lấp: Với khả năng xử lý tất cả chất thải, bãi chôn lấp là công trình không thể thiếu được trong hệ thống quản lý chất thải rắn. Thành phố có hai Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công suất chôn lấp đến 6.000 tấn/ngày. Lượng khí metan CH4 (khí gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân làm cho trái đất ấm lên) lớn nhất của thành phố sinh ra từ hai bãi chôn lấp này. Tuy nhiên, khí metan có thể sử dụng để phát điện và cung cấp nhiệt.

Trong hệ thống quản lý kỹ thuật - công nghệ của thành phố hiện nay, lợi ích kinh tế do hoạt động tái chế và xử lý, như sản xuất khí sinh học kết hợp phát điện, sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ… sẽ là nguồn tài chính “bền vững” hỗ trợ cho Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn và tổ chức lại hệ thống thu gom rác dân lập (hỗ trợ đầu tư trang thiết bị và bảo hiểm) ª

NGUYỄN VĂN CHIẾN
Văn phòng Thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM

Tin cùng chuyên mục