“Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam” là chủ đề cuộc hội thảo do Bộ Nội vụ thông qua Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức vào sáng 30-10 tại TPHCM. Hội thảo đã kêu gọi sự chung tay góp sức từ các cơ quan lưu trữ nhà nước đến nguồn tư liệu đang có trong nhân dân để củng cố những chứng cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với các vấn đề về biên giới, hải đảo, đặc biệt là chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bằng chứng xác tín từ tài liệu lưu trữ
Vừa qua, Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao đã công bố một số Châu bản (công văn giấy tờ Vua phê duyệt) triều Nguyễn có liên quan đến các vấn đề quản lý hành chính với quần đảo Hoàng Sa, ví dụ như trong Tờ tâu của Nội các ngày 22-11 năm 1833 (Minh Mệnh thứ 14) có nội dung: “Tâu trình ông Phạm Văn Sênh đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, khi trở về đã kê khai sai số người đi thực hiện công vụ nên việc ban thưởng có số thừa. Số tiền bạc thừa chưa lĩnh, mà lại quá ít, nên Nội các xin gia ân miễn xét tội cho ông Sênh”.
Còn rất nhiều tờ tâu khác được công bố với các thông tin về trả lương cho dân phu đang làm công vụ ở Hoàng Sa, xử phạt việc đi công vụ trễ hạn tại Hoàng Sa, báo cáo việc đo đạc tại các đảo, thông báo về việc cứu thuyền buôn nước ngoài gặp nạn tại Hoàng Sa…
Các tài liệu này cực kỳ quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà báo Nguyễn Văn Kết thuộc Tạp chí Văn thư - Lưu trữ Việt Nam cho biết: “Trong 3 loại chứng cứ lịch sử để xác định chủ quyền gồm Lịch sử thành văn, Vật chứng kết quả khảo cổ và Tài liệu lưu trữ thì tài liệu lưu trữ được cho là chính xác và khách quan nhất”. Ở hai tòa án quốc tế là Tòa án trọng tài thường trực (PCA) và Tòa án công lý quốc tế (ICJ) cũng xem các tư liệu lịch sử như trên là yếu tố quan trọng để xem xét chủ quyền của một quốc gia với một vùng lãnh thổ, biển đảo.
Tiếp tục sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu
Thạc sĩ Hà Văn Huề, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cho biết: “Chỉ tính Châu bản triều Nguyễn thì hiện trung tâm đang bảo quản 772 tập nhưng theo các nhà nghiên cứu thì con số này chỉ bằng 1/5 số Châu bản thực sự”. Cũng theo ông Huề thì còn khá nhiều tài liệu, tư liệu lưu trữ thuộc dạng quý, hiếm còn đang bảo quản phân tán trong các cơ sở thờ tự, di tích và trong nhân dân… một số còn nằm ở nước ngoài.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, một người có nhiều năm nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa cho rằng: “Cần tích cực xây dựng mục lục Châu bản và các văn bản về Hoàng Sa - Trường Sa”. Ông cho biết, Trung tâm Lưu trữ quốc gia đang lưu giữ văn bản năm 1836 ghi lại châu phê của Minh Mạng về Hoàng Sa. Theo ông, hiện nay tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa có rất nhiều, nếu không xây dựng hệ thống mục lục sẽ gây khó khăn và hao tốn công sức khi cần nghiên cứu, trích dẫn nguồn tư liệu này. Thậm chí còn xây dựng cả mục lục cho tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa từ nguồn nước ngoài vì gần đây nhiều tư liệu từ nước ngoài như báo chí xưa, bản đồ đều cho thấy đến tận đầu thế kỷ 20 Hoàng Sa - Trường Sa đều không được ghi nhận nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.
Bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước ngay tại cuộc hội thảo đã khẳng định với các nhà nghiên cứu là các tư liệu luôn mở rộng theo đúng quy định để các nhà nghiên cứu có thể tiếp xúc, tham khảo. Các đại biểu đã đề nghị khẩn cấp thu thập các loại tài liệu trong và ngoài nước liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong đó có Hoàng Sa - Trường Sa. Thống nhất tổ chức quản lý các loại tài liệu về một đầu mối là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Tiến hành thu thập có tính định kỳ các tài liệu liên quan đến chủ quyền lãnh thổ từ các cuộc hội thảo cấp quốc gia, ngành. Tận dụng nguồn thu thập tài liệu từ các nhà trí thức, chuyên môn người Việt ở nước ngoài. Tiến hành hệ thống hóa toàn bộ các tài liệu đã thu thập và công bố bằng nhiều hình thức như xuất bản sách, đăng tải trên mạng chính thức, hội thảo, ngoại giao…
Cũng tại hội thảo, các Trung tâm Lưu trữ Nhà nước I, II, II, IV đã công bố nhiều tài liệu quý hiếm về biển đảo trong đó có nhiều tài liệu vừa được phát hiện.
Gần 100 đại biểu đến từ 40 cơ quan quản lý tham dự hội thảo. 17/24 tham luận được trình bày tập trung vào 3 vấn đề chính: Tổng kết, đánh giá công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ quý; giới thiệu nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam hiện đang bào quản tại các cơ quan lưu trữ và ở một số nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam. |
TƯỜNG VY