Xây dựng mô hình cai nghiện thân thiện

Những ngày gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ học viên quậy phá, bỏ trốn trung tâm cai nghiện bắt buộc ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Công tác cai nghiện tập trung đang bộc lộ những điểm yếu gì và có còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay?
Xây dựng mô hình cai nghiện thân thiện

Những ngày gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ học viên quậy phá, bỏ trốn trung tâm cai nghiện bắt buộc ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Công tác cai nghiện tập trung đang bộc lộ những điểm yếu gì và có còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

 Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, về vấn đề này. Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết:

Cai nghiện ma túy tập trung đang bộc lộ một số bất cập. Công tác tuyên truyền, giải thích, vận động cai nghiện tự nguyện còn hạn chế, nên việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc ở trung tâm chưa được sự cộng tác, chấp hành nghiêm túc của người nghiện ma túy. Người nghiện ma túy chưa hiểu đó là quyền lợi, là sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội đối với họ, giúp họ tránh xa ma túy. Ngược lại, người nghiện ma túy còn tư tưởng nặng nề trong khi cai nghiện bắt buộc và luôn có thái độ bất hợp tác, không tuân thủ nội quy, quy chế, không tích cực trong cai nghiện và trị liệu để đạt kết quả cao. Vì vậy, có một bộ phận học viên quá khích, quấy rối, kích động và lôi kéo các học viên khác đập phá trung tâm cai nghiện, bỏ trốn ra ngoài, xảy ra ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số nơi khác. 

Học viên - cán bộ chưa “thông”

Xây dựng mô hình cai nghiện thân thiện ảnh 1

Ông Nguyễn Trọng Đàm

- Phóng viên: Thưa ông, học viên có nhận thức và hành động chưa đúng, còn về cán bộ và phương pháp quản lý của các trung tâm, ông đánh giá thế nào?

>> Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH NGUYỄN TRỌNG ĐÀM: Học viên cai nghiện trốn là vì họ không hợp tác. Nhận thức của học viên vào trung tâm là “bắt giam”, “cưỡng bức”. Chính vì học viên nhận thức như thế nên lúc nào họ cũng có tư tưởng vượt rào, phá trung tâm bỏ về. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các trung tâm cai nghiện còn tuềnh toàng, đội ngũ cán bộ nhân viên có hạn và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng không được chặt chẽ, nên xảy ra sự việc nêu trên.

Phải thừa nhận rằng, đội ngũ làm công tác cai nghiện còn nhiều hạn chế về khả năng thuyết phục, tư vấn, chia sẻ, giúp đỡ học viên. Qua những vụ việc xảy ra, tất cả các tỉnh, thành phải coi trọng, rút kinh nghiệm và cùng quan tâm, chứ không chỉ việc xảy ra ở chỗ này chỗ kia còn tỉnh mình thì lơ là. Đặc biệt, các cán bộ làm công tác cai nghiện cần nâng cao năng lực, thay đổi phương thức làm việc và phải có thái độ cầu thị để hai bên - mình và học viên - cùng nhau hợp tác vì mục tiêu tốt đẹp. Các trung tâm cần cung cấp dịch vụ thân thiện để người bệnh an tâm trị bệnh. Nếu để từng ngày của học viên trôi đi một cách nặng nề, ngột ngạt thì công tác cai nghiện tập trung không đạt được mục tiêu, chỉ tốn tiền nhà nước.

- Vậy Bộ LĐTB-XH có chương trình, cách làm gì sắp tới để nâng chất đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện?

Chúng tôi có chương trình chứ, có đề án đổi mới của Chính phủ rồi và thường xuyên vẫn làm chứ không phải không làm.

Chuyển đổi mô thức hoạt động

- Từ những vụ việc xảy ra, có nhiều ý kiến cho rằng nên hạn chế cai nghiện tập trung?

Không phải ý kiến nữa mà đây là đề án đổi mới của Chính phủ để triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ điều trị người nghiện ma túy, tập trung vào cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng. Những trường hợp thật cần thiết mới đưa đi cai nghiện bắt buộc. Mục tiêu từ nay đến năm 2020, giảm đến mức còn chỉ khoảng 6% người cai nghiện bắt buộc. Cho nên, các địa phương khi lập hồ sơ người nghiện ma túy cần phân loại đối tượng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp: Ai cần đưa vào cai nghiện bắt buộc, ai cai nghiện ở cộng đồng, ai điều trị methadone… chứ không phải cứ đưa nhiều người vào trung tâm cai nghiện là tốt.

Trong xu hướng như thế, các trung tâm cai nghiện cũng phải chuyển đổi. Từ nay đến 31-12, phải xong việc chuyển đổi, không còn gọi là “Trung tâm giáo dục lao động xã hội” nữa mà là cơ sở xã hội. Việc chuyển đổi không chỉ ở hình thức đổi tên, quan trọng là chuyển đổi tổ chức hoạt động bên trong. Cụ thể, đồng thời với điều trị bắt buộc, các cơ sở có thêm điều trị tự nguyện, điều trị thay thế bằng methadone… Đó là mô hình cơ sở đa chức năng. Từng chức năng như thế, phải tập trung củng cố, đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện ăn ở, học tập, sinh hoạt của học viên; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện; cải thiện phương thức hỗ trợ, giúp đỡ, làm cho học viên thấy thực sự thoải mái, tăng cường sức khỏe, thay đổi nhận thức và hành vi, quyết tâm cai nghiện nhằm sớm hòa nhập cộng đồng.

Đào tạo nghề điện tại một trung tâm cai nghiện TPHCM


- TPHCM gần 20 năm trước đã thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nhưng 99,9% tái nghiện. Sự phức tạp chỉ được vãn hồi khi thực hiện cai nghiện bắt buộc theo Nghị quyết 16 (2003-2008). Bài học nhãn tiền cai nghiện tại cộng đồng không hiệu quả như thế, làm sao trong giai đoạn mới hứa hẹn một kết quả khả quan hơn?

Chúng ta phải nhận thức đầy đủ và xác định rằng bệnh lệ thuộc vào ma túy là bệnh mãn tính, phải hỗ trợ điều trị trường kỳ, đừng nghĩ cắt cơn cho họ xong là hết nghiện. Thực tế, ở các tỉnh, thành, cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, cũng có đến 95% hay thậm chí 100% quay trở về tái nghiện. Cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng có tỷ lệ tái nghiện vẫn cao nhưng vớt vát được lại một số tỷ lệ nhất định các trường hợp nếu gia đình, xã hội quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực.

Cùng với đó, bây giờ còn có giải pháp điều trị thay thế bằng methadone. Người nghiện ma túy vẫn đi làm, đi học bình thường, hàng ngày đến cơ sở uống methadone để thay cho dùng heroin hay ma túy tổng hợp. Đó là kỳ vọng! Trong cai nghiện, không có giải pháp điều trị nghiện một cách hoàn hảo, tuyệt đối mà cần thực hiện nhiều giải pháp cùng lúc. Tôi xin nhắc lại, quan trọng là xóa rào cản, xóa bỏ sự phân biệt của cộng đồng xã hội với người nghiện. Cộng đồng cần chia sẻ, giúp đỡ họ, mở cơ hội cho họ tái hòa nhập.

- Tại TPHCM, khoảng 60% người nghiện ma túy là người không có nơi cư trú ổn định. Họ không có hộ khẩu, không có gia đình ở TPHCM, thế thì ai chăm sóc họ để có thể cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng?

Vấn đề xác định nơi cư trú phải làm tốt hơn, phải dày công và tốn kém hơn. Không ai là không có quê cả, chỉ có điều họ bỏ nhà đi lang thang, nên nếu chúng ta dày công liên hệ, xác định thì vẫn có thể gửi họ về tỉnh, thành, quê quán của họ. Nhưng các địa phương chưa làm được. Vì sự phối hợp với địa phương gốc gác của người nghiện chưa tốt và điều kiện về con người, kinh phí để xác minh nơi cư trú còn hạn chế. Khi phát hiện người nghiện ma túy đang ở TPHCM nhưng quê của họ tận các tỉnh ngoài Bắc, ai - cơ quan nào - sẽ đi đưa trả họ về quê; hay ai vào TPHCM nhận lại người; tiền ở đâu, phương tiện đâu? Rõ ràng, còn nhiều thứ bất cập. Chúng ta muốn nhưng chưa làm được nên tạm thời đưa họ vào cơ sở xã hội để giúp đỡ họ cai nghiện tập trung ở các trung tâm của TPHCM.

ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục