Xây dựng TPHCM trở thành một TP văn minh - hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc là mục tiêu hướng đến của nhân dân và chính quyền TPHCM. Để thực hiện mục tiêu này, TP đã tiến hành chương trình vận động và thực hiện trong 3 năm liên tiếp.
Những kết quả đáng khích lệ
Qua 3 năm, cuộc vận động xây dựng văn minh đô thị (VMĐT) đã thu được nhiều thành tựu, bộ mặt trung tâm TPHCM thay đổi hẳn. Đặc biệt, sự tiến bộ về môi trường, cảnh quan ở các khu phố, hẻm phố đã trở nên sạch sẽ, trật tự và ngăn nắp hơn, ý thức xây dựng cộng đồng tốt hơn. Đáng ghi nhận là đã có sự chuyển biến nhất định trong nhận thức và ý thức của nhân dân. Từ chỗ thờ ơ với những hiện tượng làm mất mỹ quan ở bên ngoài khuôn viên nhà mình, thậm chí coi việc xả rác, vượt đèn đỏ là chuyện bình thường, nhiều người đã biết tự ý thức thực hiện, nhắc nhở người thân trong gia đình, bạn bè cùng thực hiện các quy tắc vệ sinh và tỏ thái độ không đồng tình đối với những hoạt động phản cảm. Họ không chỉ làm sạch nhà mình, khu phố, hẻm nhà mình mà còn quan tâm đến cảnh quan môi trường của toàn TP.
Đáng khích lệ nhất là cuộc vận động đã khơi mở và huy động được một nguồn lực rất đáng để trong nhân dân tham gia. Rất nhiều các tổ chức xã hội tham gia một cách tự nguyện và hăng hái, trong đó các cán bộ hưu trí, đảng viên cao tuổi, cựu chiến binh có đóng góp lớn. Các tổ chức tôn giáo và chức sắc tôn giáo, đặc biệt là các vị chức sắc trong giáo hội Phật giáo, các vị chủ trì các chùa đã góp sức vận động từ bỏ thói quen rải vàng mã đám ma, đốt vàng mã. Nhiều chùa vận động nhân dân không rải vàng mã để dành tiền chuyển sang làm từ thiện, mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Cán bộ cơ sở và nhân dân các khu phố có nhiều sáng kiến rất hay. Hàng chục sáng kiến có giá trị được phát huy từ cộng đồng như Hẻm, khu phố, đường phố không rác; Mỗi ngày dành 20 phút cho cộng đồng...
Chưa thẩm thấu
Trên đây mới chỉ là những kết quả ban đầu, chưa thấm sâu vào đời sống của mỗi người dân để trở thành thái độ, thói quen hành động thường trực. Sang năm 2012 nhiều hiện tượng đã bắt đầu trở lại hoặc biến tướng theo chiều hướng tiêu cực. Hiện nay, việc rải vàng mã đám ma bằng tiền giấy, có giảm nhưng lại chuyển qua rải tiền xu; giảm ở nội thành nhưng chưa có biến chuyển ở ngoại thành. Việc bán hàng rong giảm trước cổng trường tiểu học nhưng lại tăng ở cổng trường trung học và đại học. Nhìn chung, việc triển khai các chương trình còn chậm, việc thực hiện giữa các quận và phường cũng có khác nhau (mức xử phạt, thái độ dễ dãi, cách vận động thực hiện) nên gây ra sự không đồng bộ và so bì. Sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng chưa đồng đều, chưa thật chủ động đề xuất các chương trình hành động.
Các sơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động VMĐT có gia tăng ở khu vực trung tâm nhưng vẫn còn thiếu về chủng loại và chưa đủ về số lượng. Trong đó, việc xây dựng các nhà vệ sinh, đặt thêm thùng rác không khó khăn về kinh phí nhưng lại khó khăn về địa điểm, trong khi các sở có liên quan chưa có những sáng kiến đột phá mạnh mẽ như làm nhà vệ sinh di động, làm dưới mặt đất... Dẫu vậy, số lượng các thùng rác công cộng, nhà vệ sinh đã tăng lên, TP sạch hơn và đẹp hơn. Cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn minh cũng được gia tăng. 15 tuyến đường kiểu mẫu và các công sở, trường học, khách sạn đã có sự chăm chút về hình thức sạch, đẹp hơn.
Mặc dù có sự cố gắng của nhiều lực lượng với kinh phí rất lớn nhưng kết quả thu được của cuộc vận động vẫn còn hạn chế, do TP có diện tích quá lớn và dân số quá đông. TP thu hút một lượng khổng lồ người nhập cư, lao động tự do, khách vãng lai, du khách quốc nội và quốc ngoại. Một vấn đề nữa là TP vẫn đang trong quá trình chỉnh trang đô thị như cải tạo kênh rạch, làm mới hệ thống cấp thoát nước, nâng cấp vỉa hè ảnh hưởng lớn việc vận động thực hiện các hành vi văn minh. Một đặc trưng của TP là nhà buôn bán mặt tiền theo dãy bám sát lòng đường và xe máy, tác động rất mạnh mẽ đến cảnh quan môi trường, vệ sinh, trật tự đô thị.
Xây dựng ý thức và hành động làm cho TP trở nên văn hóa và văn minh hơn cho hàng triệu người dân là chuyện vô cùng khó. Do vậy, việc thực hiện VMĐT phải được tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục. Nói cho cùng, bất cứ hành động xã hội nào của cá nhân và cộng đồng đều có liên quan ít nhiều đến VMĐT. Vì vậy, các cuộc vận động, các chương trình, các dự án của các lĩnh vực thuộc đời sống xã hội đều có thể lồng ghép nội dung VMĐT vào…
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa,
Trưởng Khoa Đô thị học và quản lý đô thị - Đại học Quốc gia TPHCM