Xây dựng nhà trên đất tranh chấp - Được ít, mất nhiều

Công chứng... khuất tất
Xây dựng nhà trên đất tranh chấp - Được ít, mất nhiều

“Trong lúc tòa đang thụ lý vụ kiện, nhà cửa cứ liên tiếp mọc lên trên đất tranh chấp. Gia đình nhiều lần yêu cầu chính quyền vào cuộc, buộc ngưng xây dựng nhưng càng kêu nhà mọc càng nhiều”. Trong đơn gửi Báo SGGP, bà Trần Kim Hạnh ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM, bức xúc.

Khu đất đang chờ tòa án phân xử dần biến thành khu dân cư với nhiều căn nhà mới.

Khu đất đang chờ tòa án phân xử dần biến thành khu dân cư với nhiều căn nhà mới.

Công chứng... khuất tất

Theo đơn bà Kim Hạnh, ngày 1-8-2008, tại Phòng Công chứng số 4 (PCC4), TPHCM, bà Trần Kim Xuân và Trần Kim Thanh lập hợp đồng ủy quyền cho bà Trần Kim Hạnh đại diện lập thủ tục khai nhận di sản thừa kế về quyền sử dụng, định đoạt khu đất 2.139m2, do công chứng viên Quản Huy Phương chứng nhận.

Nguồn gốc khu đất này thuộc thửa số MPT4, tờ số 49, phường Tây Thạnh quận Tân Phú của mẹ họ là bà Nguyễn Thị Biện, nay 3 người đồng thừa kế di sản này. Sau khi lập văn bản khai nhận di sản thừa kế, ngày 29-8-2008, tại PCC4, bà Trần Kim Hạnh lập hợp đồng tặng cho một phần quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà Trần Kim Xuân đối với thửa đất số MPT 4, do công chứng viên Quản Huy Phương chứng nhận hợp đồng.

Thế nhưng sau đó, ngày 7-10-2008, cũng tại PCC4, bà Trần Kim Xuân đã lập hợp đồng tặng cho toàn bộ QSDĐ thửa MPT 4, diện tích 2.139m2 cho bà Trần Thị Như Hồng và đã được công chứng viên Quản Huy Phương chứng nhận hợp đồng “mục đích, nội dung hợp đồng không vi phạm pháp luật”. Với bản hợp đồng này, công chứng viên Quản Huy Phương đã “công nhận” biến di sản thừa kế của 3 người con bà Biện thành tài sản riêng của bà Trần Thị Như Hồng. Gia đình phát hiện sự việc làm trái pháp luật này nên đã yêu cầu tòa án giải quyết.

Trong khi Tòa án Nhân dân quận Tân Phú đang thụ lý, làm thủ tục để đưa vụ án ra xét xử, thì bà Hồng tiến hành phân lô, xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, biến khu đất đang tranh chấp thành khu dân cư. Nhiều người mua cho rằng đất đai đã có chủ quyền, họ mua bán hợp pháp và đã được chính quyền cho phép xây dựng nhưng không khỏi lo lắng khi biết khu đất đang bị tranh chấp.

Người dân thiệt thòi

Chính quyền cấp phép cho người dân xây dựng nhà trên đất tranh chấp, đang chờ tòa án phân xử không chỉ gây khó khăn cho công tác xét xử, thi hành án mà ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền, gây bức xúc cho người dân. Bà Trần Kim Hạnh cho biết, cán bộ quận lần lữa rồi hướng dẫn gia đình sang tòa nộp đơn. Vụ việc được tòa thụ lý, còn muốn có quyết định ngăn chặn khẩn cấp, buộc ngưng thi công thì phải nộp ký quỹ 200 triệu đồng/căn, trong khi khu đất đang được phân thành 40 nền nhà, gia đình lấy đâu ra 8 tỷ đồng…

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Tấn Phong, cán bộ địa chính phường Tây Thạnh, cho biết việc cấp giấy phép xây dựng là do UBND quận quyết định, còn cấp phường chỉ có nhiệm vụ giám sát, yêu cầu người dân thực hiện xây dựng nhà theo đúng giấy phép đã được cấp. Phường không có quyền buộc người dân dừng thi công nhà khi họ đã được cấp phép xây dựng. Nay trước bức xúc của người dân, phường sẽ kiểm tra và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có biện pháp xử lý thích hợp.

Theo luật sư Nguyễn Đình Kim (Đoàn Luật sư TPHCM), cùng với việc công chứng viên cho phép biến di sản thừa kế thành tài sản riêng và chính quyền cấp giấy phép cho người dân xây dựng nhà trên đất tranh chấp đang được tòa án thụ lý, chờ xét xử sẽ dẫn đến kết cục được ít, mất nhiều, mà phần thiệt rơi về phía người dân.

Bởi lẽ, trong vụ này QSDĐ chỉ được xác định sau khi có phán quyết của tòa. Những hộ dân đã mua đất, cất nhà sẽ bất lợi khi tòa án tuyên trả đất về cho chủ cũ, không công nhận QSDĐ cho đối tượng sang nhượng của bà Hồng. Cơ quan thi hành án cũng sẽ gặp khó khăn trong thi hành án khi khu đất đã thành khu dân cư. Như vậy, việc cấp giấy phép, cho người dân xây dựng nhà trên đất đang tranh chấp của UBND quận Tân Phú sẽ để lại hậu quả lâu dài, khó giải quyết.

Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh cho họ bị thiệt hại tài sản về sau, PCC4 sớm kiểm tra làm rõ tính pháp lý của hợp đồng công chứng cho phép bà Xuân tặng toàn bộ QSDĐ cho bà Hồng. Quận Tân Phú cần có văn bản yêu cầu người dân tạm ngưng xây dựng, chờ phán quyết của tòa án.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục