Xây dựng niềm tin trong nhân dân. Bài 1: Chăm lo thiết thực

Xây dựng niềm tin trong nhân dân. Bài 1: Chăm lo thiết thực
LTS: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 84 năm qua đất nước Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh… Tuy mỗi giai đoạn phát triển đều có những thăng trầm, nhưng Việt Nam luôn tiến về phía trước. Trong vô vàn khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, những năm qua, đất nước ta vẫn vững vàng, tăng trưởng kinh tế tuy có chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; kinh tế vĩ mô được ổn định; an sinh xã hội được đảm bảo... Quan trọng hơn là thế và lực Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Đảng đã làm cho dân tin không chỉ ở những việc lớn mà còn là những quan tâm thường nhật, chăm lo thiết thực cho đời sống người dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn ấy, Đảng ta đang đứng trước những thách thức khi niềm tin trong nhân dân đang bị xói mòn, suy giảm… Vì sao vậy? Làm thế nào để củng cố niềm tin trong nhân dân, nhất là khi đất nước đang đứng trước nhiều thách thức? Từ những câu chuyện, việc làm cụ thể, Báo SGGP xin chuyển đến bạn đọc loạt bài “Xây dựng niềm tin trong nhân dân” từ thực tiễn của TPHCM.

Muốn cho dân tin, muốn được lòng dân thì việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc có hại cho dân phải hết sức tránh. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phải được người lãnh đạo đặc biệt chú ý. Không biết do thấm nhuần lời dạy của Bác, do sự mách bảo từ trái tim hoặc vì ý thức trách nhiệm của người đảng viên phải luôn đi đầu mà những đảng viên, những tổ chức đảng chúng tôi gặp đã âm thầm sẻ chia, chung tay giúp đỡ những mảnh đời còn khốn khó. Họ lặng lẽ làm như một cái gì đó thật hiển nhiên.

Kiểm tra thông tin và giao dịch hành chính tại UBND phường Bến Thành, quận 1, TPHCM. Ảnh: Kim ngân

Kiểm tra thông tin và giao dịch hành chính tại UBND phường Bến Thành, quận 1, TPHCM. Ảnh: Kim ngân

        Gọi “tổng đài chi bộ” để được hỗ trợ!

Chạy xe máy dưới cái nắng nóng như đổ lửa giữa trưa tháng 3-2014 nhưng anh Lê Văn Lớn (cán bộ xã Tân Quý Tây huyện Bình Chánh) luôn tươi cười, được một đoạn anh lại quay sang động viên chúng tôi: “Ráng chạy chút nữa đi, sắp tới rồi”. Anh Lớn dừng lại trước căn nhà nhỏ gạch còn đỏ au vừa mới xây ở tổ 1, ấp 3. Thấy chúng tôi, người phụ nữ trẻ mảnh khảnh nhiệt tình đón khách. Vừa bận rộn chuẩn bị cho các con đến trường, chị tíu tít kể cho anh Lớn nghe chuyện ăn ở, chuyện học hành của các con.

“Sáng nay, lo xong 3 đứa nhỏ đến trường đã 8 giờ, tranh thủ đi bán (bán vé số - PV) đến 10 giờ về lo cơm nước cho các con. Tranh thủ mấy đứa nhỏ đi học buổi chiều, chút em đi bán tiếp”, chị cởi mở với anh cán bộ xã như người thân của mình. Rồi chị mách anh, nhà kế bên hay un lửa, tàn lửa bay qua suýt cháy nhà mình; nhà chị còn chỗ này, chỗ kia chưa hoàn thiện đề nghị xã quan tâm giúp đỡ thêm. Anh Lớn động viên chị và hứa về sẽ báo cáo để lãnh đạo xã xem xét hỗ trợ.

Chị nhoẻn miệng cười giới thiệu: “Tôi tên Lê Thị Yến. Chuyện lớn, chuyện nhỏ gì cũng được các anh chị trên đó (ở xã - PV) quan tâm hỗ trợ nên giờ tôi yên tâm lắm!”. Chị còn khoe căn nhà này mới xây trước tết hết 26 triệu đồng, xã ủng hộ đến 24 triệu, phần chị chỉ góp được 2 triệu. Chỉ tay vào góc nhà, chị nói: “Mẹ con tôi nghèo mà lúc nào cũng được mặc đồ đẹp. Cứ vài ngày là thấy bịch đồ để ở chỗ này, biết là có người trên xã ghé qua. Đồ cũ của người khác nhưng lại mới với mẹ con tôi”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Quý Tây Lê Thị Đúng kể: Chồng chị Yến đã bỏ mẹ con chị từ nhiều năm nay nên một mình người phụ nữ này đã phải tảo tần nuôi 3 con ăn học bằng nghề bán vé số. Căn nhà tạm cất trên đất của gia đình chồng đã mục ruỗng nên cứ có tin báo bão là xã nghĩ đến địa chỉ này trước tiên để tổ chức đưa mẹ con chị đi tá túc nơi an toàn. Không cầm lòng, mấy anh em đảng viên trong chi bộ 3 của Đảng ủy xã Tân Quý Tây đã quyên góp và vận động tiền xây lại căn nhà tình thương cho mẹ con chị Yến.

Lo được chỗ ở ổn định cho mẹ con chị, cả xã đều mừng như lo được cho người thân. Giờ đây, ngày cũng như đêm, cứ có chuyện khó khăn gì - từ chuyện nhà vệ sinh đến thẻ BHYT cho các con, chị Yến đều gọi “tổng đài chi bộ” (Bí thư Đảng ủy Lê Thị Đúng) để được giúp đỡ.

Xã nghèo nên lo cho dân chỉ là như vậy. Điều kiện để chăm lo tuy không nhiều nhưng những quan tâm thường nhật đã làm ấm lòng người dân. Ở đó, giữa cán bộ và nhân dân như không còn khoảng cách. Về xã Tân Quý Tây, chúng tôi còn nghe được câu chuyện xúc động khác.

Đảng ủy xã Tân Quý Tây có 4 chi bộ. Tại kỳ họp chi bộ mỗi tháng, các đảng viên tiết kiệm đồng lương ít ỏi của mình bỏ vào heo đất. Cứ mỗi năm, số tiền tích cóp được cũng lên đến vài chục triệu đồng dùng để chuyển tặng làm học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn xã.

Chị Lê Thị Yến bên các con trong căn nhà do các đảng viên xã Tân Quý Tây đóng góp xây dựng.

Chị Lê Thị Yến bên các con trong căn nhà do các đảng viên xã Tân Quý Tây đóng góp xây dựng.

Đảng viên đi đầu trong việc hiến đất mở rộng đường Minh Nguyệt xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh

Đảng viên đi đầu trong việc hiến đất mở rộng đường Minh Nguyệt xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh

        Hiệu quả kép

Đối với địa phương có điều kiện như quận 1 thì hình thức chăm lo phong phú hơn. Một truyền thống cao đẹp của người Việt Nam là đến dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc, các cấp, các ngành lại tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà cho gia đình có công, diện chính sách, người nghèo… như một sự đền ơn, chia sẻ khó khăn, mất mát. Thế nhưng, từ 5 năm nay quận 1 đã thực hiện phương thức thăm hỏi động viên này một cách thiết thực, đi vào chiều sâu.

Nếu như trước đây, vào những ngày lễ, tết, toàn quận tổ chức chỉ khoảng 10 đoàn đại diện lãnh đạo cấp quận và đoàn thể thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì nay, số đoàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà đã lên đến 300. Để số quà tặng được nhiều hơn, cách làm của quận 1 là không chỉ lãnh đạo cấp quận làm trưởng đoàn mà Ban Thường vụ Quận ủy quận 1 chủ trương lãnh đạo cấp phường, cấp phòng ban, các đoàn thể, các đơn vị, các nhà sư ở các chùa đền cũng tổ chức đoàn đi thăm. Nhờ vậy, mặc dù mấy năm nay kinh tế khó khăn nhưng số quà tặng của những lần đi thăm bà con được nhiều hơn do huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội.

Qua thăm hỏi, nhiều khó khăn của người dân được tháo gỡ kịp thời, như dạy nghề, hỗ trợ việc làm, giải đáp thủ tục hành chính… Đồng chí Phạm Thành Kiên, Chủ tịch UBND quận 1, kể lại, Chủ tịch UBND một phường khi làm trưởng đoàn thăm các gia đình chính sách, xúc động trước hoàn cảnh một cụ bà sống độc thân trong một căn nhà tạm có mấy mét vuông, anh liền vận động một doanh nghiệp trên địa bàn xây căn nhà nhỏ tặng cụ.

Một nghĩa cử khác tại quận 1 là những năm qua quận đã vận động các mạnh thường quân mua tặng đến mấy chục bàn thờ cho gia đình nghèo, gia đình có công. Vào ngày tết cổ truyền dân tộc, lực lượng đoàn thể của phường đến nấu ăn, bày biện trái cây, bánh mứt trên bàn thờ, may đồ mới cho các em nhỏ đối với những hoàn cảnh còn nghèo khó.

        Đảng viên già cũng lo cho dân

“Kính chuyển: 1/ Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh sắp xếp để 15 giờ 30 chiều nay tôi ghé thăm và trao học bổng 10 triệu đồng cho các cháu. 2/ Giao UBND phường làm việc với MTTQ phường trích quỹ Vì người nghèo mua 2 bảo hiểm y tế tặng cho anh chị (sớm). 3/ Giao Chi cục Thuế quận 1 đóng góp từ nguồn CTXH lo học phí cho cháu tại Trường Mầm non Cô Giang (gửi cho phường 5 triệu đóng tiền bán trú). 4/ Giao phường Cầu Ông Lãnh, Phòng GD-ĐT quận làm việc với Trường Mầm non Cô Giang nhận cháu vào học (ngay thứ 2 này)”.

Nói về những dòng chữ chỉ đạo dày đặc ngay trên bài báo “Khó khăn chồng chất khó khăn” đăng ở mục “Cùng công nhân vượt khó” trên Báo Người Lao Động, chị Nguyễn Thị Thu Hường (Chánh Văn phòng Quận ủy quận 1) kể: Một sáng cuối năm 2013, ông Trần Vĩnh Tuyến (khi ấy còn là Bí thư Quận ủy quận 1) đọc bài báo về anh Ngô Chí Hiếu - đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm phường Cầu Ông Lãnh quận 1 bị đá văng trúng khiến mắt phải anh vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng, một mình người vợ phải chèo chống nuôi 4 miệng ăn với 2 con đang tuổi ăn học, con gái lớn dù học giỏi nhưng đứng trước nguy cơ bỏ học, đứa nhỏ đến tuổi vào mẫu giáo cũng không có tiền đóng. Lập tức ông chỉ đạo các ban ngành chức năng của quận, phường vào cuộc giúp đỡ kịp thời. Nhờ vậy, giờ đây gia đình anh Hiếu đã vượt qua khó khăn, các con yên tâm đến trường.

Không chỉ các tổ chức Đảng lo cho dân mà cá nhân mỗi đảng viên cũng chung tay, góp sức vào mặt trận này. Như trường hợp người cán bộ già Phạm Văn Nghi 75 tuổi đời 51 tuổi Đảng ngụ tại phường 14, quận 6. Nhiều năm nay ông đã vận động các con mình tham gia đóng góp cho quỹ khuyến học của phường mỗi năm khoảng 20 suất học bổng.

Những tưởng cuộc sống gia đình ông phải khá giả lắm, nhưng thực tế khi đi vào con hẻm ngoằn ngoèo ở xóm lao động trên đường Tân Hòa Đông mới biết, trong căn nhà đã cũ của gia đình ông có đến 7-8 người thuộc 3 thế hệ cùng sinh sống. Mọi chi tiêu hàng ngày đều phải tiết kiệm. Ngày trước, với đồng lương công chức ít ỏi, vợ chồng ông vất vả làm đủ nghề mới nuôi được các con đến ngày tốt nghiệp đại học.

Ông tâm niệm, học thức không chỉ để thoát nghèo, mà còn cho người ta có được nhân cách sống tốt. “Mình như vậy đã tốt lắm rồi, còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn”, ông bày tỏ. Ở cái phường nghèo này, ông rất xót xa khi nhìn thấy những hoàn cảnh khó khăn không cho con tiếp tục đến trường. Vì lẽ đó, ông kêu gọi các con mình hàng năm chung tay đóng góp cho quỹ khuyến học. “Mỗi học bổng chỉ 500.000 đồng nhưng các cháu rất mừng, mình thấy mà thương”, ông nói.

VÂN ANH - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục