Xây dựng và phát huy dân chủ XHCN

Xây dựng và phát huy dân chủ XHCN

30 năm đổi mới - Từ thực tiễn đến lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Nói đến phát huy quyền dân chủ của người dân, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân…”. Quan điểm này là sự phát huy, kế thừa những nguyên tắc cơ bản khẳng định rõ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng và bảo đảm theo Hiến pháp và nhiều chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành trong nhiều năm qua, nhất là ở giai đoạn 30 năm đổi mới…

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cùng các đồng chí lãnh đạo TP gặp gỡ đại biểu các dân tộc, các tôn giáo vào tháng 4-2015. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mở rộng dân chủ, tôn trọng quyền con người

Bác sĩ Trần Đông A, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII, trong giai đoạn trước năm 1975 đã có thời gian phục vụ trong bộ máy chính quyền chế độ cũ, và nhiều năm qua ông là đại diện cho giới nhân sĩ trí thức của TPHCM. Ông nói: “Thực tiễn từ sau năm 1975 đến nay, nhất là ở giai đoạn 30 năm đổi mới, các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ngày càng được mở rộng, thu hút sự tham gia của rất nhiều giới đồng bào, đại diện các tôn giáo, dân tộc. Trong cơ cấu HĐND các cấp, Quốc hội đều có đại diện của các tầng lớp nhân dân, trong đó có không hiếm những người đã từng tham gia bộ máy chế độ cũ như tôi. Các tôn giáo, dân tộc, các tổ chức hoạt động xã hội, các doanh nghiệp… cũng có chỗ đứng và đại diện tiếng nói của mình trong xã hội, trong các cơ cấu quyền lực dân cử”.

Theo GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TPHCM, trong những năm qua, MTTQ và các đoàn thể đã có nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn phương thức hoạt động theo hướng mở rộng và phát huy dân chủ. Đặc biệt, “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” do Bộ Chính trị ban hành, đã thực sự phát huy được vai trò và quyền của mỗi người dân tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.

Nhận định trên của BS Trần Đông A và GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn phản ánh khá chính xác đời sống, sinh hoạt chính trị ở TPHCM và cả nước những năm qua. Trong đó, nổi bật là thể chế thực thi các quyền dân chủ của nhân dân từng bước được xác lập và cụ thể hóa. Ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ và năng lực làm chủ của nhân dân từng bước được nâng lên. Các thiết chế dân chủ (như: Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã - phường - thị trấn) đã mở rộng quyền của người dân được biết, được bàn và được quyết định các vấn đề của mình ở từng địa bàn dân cư, trở thành động lực thu hút nguồn lực và sức mạnh của dân tham gia vào các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Mặt khác, như đánh giá của các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, dân chủ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và dân chủ ngay trong Đảng cũng có những bước tiến mới. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, khi tiến hành đường lối xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu khác nhau, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh, hình thức phân phối, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh đã tạo điều kiện và nền tảng cho việc hình thành và phát huy dân chủ rộng rãi hơn. Trong lĩnh vực chính trị cũng vậy, hệ thống chính trị đã có đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động theo hướng dân chủ hóa; tính công khai, minh bạch và quyền tiếp cận thông tin được nâng lên. Từ đó, kéo theo sự chuyển hướng và định hình nền dân chủ mới theo hướng thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và thể chế pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, quyền làm chủ của công dân.

Để quyền dân chủ thực sự phát huy

Theo TS Lê Minh Nghĩa, Hội đồng Lý luận Trung ương, quá trình tiếp thu, chỉnh lý các chuyên đề tổng kết 30 năm đổi mới, đã có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các tầng lớp nhân dân, kiến giải với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về xây dựng, phát huy dân chủ XHCN. Nhiều ý kiến cho rằng, dân chủ trong Đảng đóng vai trò quyết định chi phối và lan tỏa dân chủ trong hệ thống chính trị và trong xã hội, song dân chủ trong Đảng có nơi, có lúc chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức, chưa thực sự trở thành biểu tượng và động lực mạnh mẽ. Những năm qua, Đảng ta cũng thấy được điều này và có đánh giá: Những nơi còn mất dân chủ trong Đảng thường đi đôi với sự lãnh đạo, quản lý gia trưởng, thậm chí độc đoán, chuyên quyền. Có tình trạng dân chủ không đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước không nghiêm. Còn có những trường hợp vi phạm trong việc thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và tổ chức Đảng, chính quyền có những nội dung chưa được quy định rõ, thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng “tranh công đổ lỗi”, thành tích thì cá nhân nhận, khuyết điểm thì đổ cho tập thể…

Từ những yếu kém, bất cập nêu trên, người dân kỳ vọng nhiều ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII này, Đảng sẽ có quyết sách chấn chỉnh và đổi mới mạnh hơn nữa thể chế thực thi các quyền dân chủ của nhân dân; tăng cường phát huy dân chủ theo định hướng Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm và thực thi đầy đủ các nguyên tắc cơ bản trong mọi hoạt động xã hội theo tinh thần thượng tôn pháp luật; chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về nhân dân; có cơ chế kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị và trong xã hội, để hạn chế tình trạng lạm quyền, tham quyền, tha hóa quyền lực, mất dân chủ ở một số nơi như thời gian qua.

Còn có những cơ quan nhà nước hoạt động chưa thực sự thể hiện đầy đủ là “của dân, do dân, vì dân”. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, một số lĩnh vực còn bị vi phạm, việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức. “Dân chủ quá trớn, dân chủ cực đoan” và tình trạng vi phạm dân chủ vẫn diễn ra ở không ít nơi. Dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp còn có biểu hiện thiếu thực chất, chưa phát huy tốt vai trò.

(Nguồn: Hội đồng Lý luận Trung ương)

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục