Trong quá trình hiện đại hóa ở các TP lớn ở Việt Nam, người ta nhận ra sự bùng phát của một loạt vấn đề nổi cộm về giao thông đô thị. Vấn đề tưởng nhỏ mà không nhỏ chút nào - không chỉ kiềm hãm quá trình hiện đại hóa, gây tốn kém nhiều tiền của, nó còn ảnh hưởng đến hình ảnh và vị thế của đô thị. Nói thế quả hơi xa, nhưng với những thực trạng trước mắt như: ý thức chấp hành luật giao thông kém, số vụ tai nạn giao thông tăng cao, thiếu ý thức văn hóa ứng xử nơi công cộng tại TPHCM thời gian qua đã khiến dư luận xã hội không khỏi lo ngại.
Càng lo ngại hơn khi số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chạy xe gây rối trật tự an toàn giao thông phần lớn đều do thanh thiếu niên gây ra, số người chết do tai nạn giao thông trong độ tuổi thanh thiếu niên cũng chiếm tỷ lệ cao nhất.
Không ít những vụ án đau lòng thậm chí dẫn đến chết người mà nguyên nhân bắt nguồn từ những va quẹt rất nhỏ và không đáng. Thay vì dùng lời hòa nhã, kiềm chế một chút, đôi khi chỉ cần một lời xin lỗi là có thể hóa giải sự việc nhưng thực tế thì sao? Không ít bạn trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên, có bạn còn đang học cấp 2 đã sẵn sàng chọn cách giải quyết bằng tay chân và hung khí. Nhiều trường hợp việc vi phạm luật giao thông ở thanh thiếu niên đã tạo ra hiệu ứng lây lan (như hàng trăm quái xế thanh thiếu niên tụ tập đua xe nửa đêm về sáng, gây rối an ninh trật tự mà giới truyền thông đưa tin mới đây) và có thể trở thành nét tâm lý tiềm ẩn trong nhận thức và thói quen giao thông của họ. Họ là ai? Họ là những người rất trẻ, đa phần là học sinh sinh viên, thanh niên, công nhân viên chức và vì sao họ lại có những thói quen ứng xử không ai đồng tình như vậy?
Có người bảo do tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên muốn nổi trội để thể hiện “cái tôi” của mình, thích chứng tỏ mình “sành điệu”, thiếu kỹ năng làm chủ cảm xúc dẫn đến liều mạng, chưa nhận thức và chưa lường hết tác hại, hậu quả do những hành vi vi phạm của mình gây ra. Cũng có ý kiến cho rằng do môi trường và điều kiện xã hội đã tạo nên những thói quen hành xử không hay như thế. Tuy nhiên thiển nghĩ, dù nhìn nhận ở góc độ nào đi nữa, sự chăm sóc, giáo dục và ý thức hình thành từ nền tảng gia đình của mỗi cá nhân vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Vẫn biết cá nhân chưa đủ 18 tuổi thì chưa được phép điều khiển xe máy phân khối lớn, nhưng thực tế vẫn có không ít ông bố bà mẹ đưa xe cho con em mình chạy, thậm chí có phụ huynh còn đứng ra “xin xỏ” khi các em bị cảnh sát giao thông xử phạt!
Cách hành xử lệch chuẩn của người lớn vô tình đã tạo nên thói quen xấu cho các bạn trẻ, khiến họ tìm cách dựa dẫm thay vì tự bảo vệ mình và tuân thủ luật giao thông. Ngược lại, những hành động và tác động tích cực từ người lớn, cách hành xử chuẩn mực từ ông bà, cha mẹ qua việc quan tâm giáo dục con cái sẽ giúp các bạn trẻ bớt đi cảm giác “cô đơn”, mất phương hướng, từ đó họ ý thức được giá trị tốt đẹp của gia đình, của cộng đồng, của bản thân và biết cách ứng xử hợp lý để bảo vệ những giá trị đó. Một khi bản thân đã có sức “đề kháng” tốt, khi đối diện với những sự cố trong cuộc sống, các bạn trẻ sẽ biết cách xử trí và hành xử đúng mực.
MINH AN