Xây dựng ý thức cá nhân

Thời gian gần đây, chúng ta phải chứng kiến hoặc nghe quá nhiều chuyện về hành vi thiếu ý thức, như xúm vào hôi của của người bị tai nạn giao thông, chen lấn giành giật các sản phẩm miễn phí, hành xử bạo lực ở học đường, hành xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng, thậm chí gần đây liên tục có những phụ nữ bị phụ tình đã không ngại dùng cách… cởi quần áo nơi công cộng... Phải nói rằng việc hành xử tùy tiện, bừa bãi, thiếu lòng tự trọng, vô nguyên tắc đã trở thành thói quen xấu của không ít người Việt Nam, kéo theo sự cẩu thả, bất cẩn trong lối sống.

Cách nay không lâu, khi đến Việt Nam, cựu danh thủ đội tuyển bóng đá Anh - David Beckham đã phải kinh ngạc khi thấy một phụ nữ không đội nón bảo hiểm chở theo đứa con nhỏ đang ngủ gật ngồi phía trước, một tay lái xe máy lao theo ô tô, một tay cầm điện thoại để chụp cho được ảnh “thần tượng”. Cảnh này đã làm cho chính nhân vật được hâm mộ phải lên tiếng phê phán về sự thiếu ý thức và liều mạng của người phụ nữ đó. Còn biết bao nhiêu hành vi mà chúng ta thường bắt gặp ở khắp mọi nơi phản ảnh sự tùy tiện, vô nguyên tắc của một số người Việt ta. Có không ít người rất khó chịu khi chứng kiến cảnh những người uống cà phê tại quán xá dò vé số xong không trúng thì vứt lung tung, quán cà phê chẳng khác gì bãi rác. Chuyện tùy tiện, bừa bãi ở ngoài phố phổ biến đến nỗi có người nước ngoài chê trách rằng, người Việt ở đâu thì chỗ đó có rác. Tất nhiên, chúng ta không nhận xét bi quan, cực đoan, khi vẫn có đa số người Việt vẫn luôn nêu cao ý thức tự giác ở mọi nơi mọi lúc, họ thực sự là những tấm gương sáng về hành xử.

Khi việc hành xử tùy tiện, vô nguyên tắc ngày càng phổ biến thì trở thành thói quen xấu trong đời sống xã hội, rất khó từ bỏ. Muốn thay đổi thói quen xấu này, nhất thiết phải từ sự giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành hành vi tốt, và hành vi đó lặp đi lặp lại nhiều mới trở thành thói quen bền vững. Từ thói quen hay, mới gặt được tính cách tốt đẹp. Như vậy, có nghĩa phải chuyển hóa bắt đầu từ ý thức của mỗi cá nhân. Trước hết, từ trong gia đình, trẻ em cần phải được giáo dục cách hành xử văn minh lịch sự từ cha mẹ. Nếu gia đình có cha mẹ sống ngăn nắp, kỷ luật, tất nhiên con trẻ không thể hành động một cách tùy tiện, bừa bãi. Ở nhà trường cũng vậy, những bài học về giáo dục nhân cách không phải chung chung trong sách giáo khoa, mà phải bằng những việc làm cụ thể của các học sinh. Đồng thời có những biện pháp nêu gương tốt, phê phán hành vi xấu, để các em học được những điều hay lẽ phải từ thầy cô giáo và bạn bè. Để tâm lý tích cực lây lan, bên cạnh việc tuyên truyền bằng các phương tiện truyền thanh, truyền hình, cần vận động đến từng gia đình, lấy các nhân tố điển hình để làm gương cho mọi người noi theo.

Đừng để sự tùy tiện, bừa bãi trở thành thói quen xấu, bởi thói quen xấu này dễ trở thành tính cách trong phẩm chất của con người và nhiều người lại trở thành tính cách của cộng đồng. Muốn xây dựng đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức cộng đồng, hãy bắt đầu từ xây dựng ý thức cá nhân.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN, giảng viên tâm lý ĐH Nguyễn Huệ

Tin cùng chuyên mục