Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa hoặc xảy ra các đợt triều cường thì nhiều khu vực, tuyến đường ở TPHCM bị ngập nước. Không ai phủ nhận có dự án như dự án cải thiện môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé hoàn thành giai đoạn 1 đã cải thiện tình hình ngập nước ở nhiều lưu vực, nhất là ở trung tâm TP và dự án tiêu thoát nước - giải quyết môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, bờ hữu sông Sài Gòn cũng đang phát huy tác dụng chống ngập, người dân rất vui mừng, không còn lo lắng và có điều kiện phát triển kinh tế, nông nghiệp. Đây là những dự án nằm trong quy hoạch 1547 của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch 752 của TP. Theo các nhà khoa học và các nhà quản lý, TP đã chia đô thị thành 5 lưu vực nằm trong quy hoạch trên nhưng việc chậm trễ công bố chi tiết của từng lưu vực được quy hoạch, chính là nguyên nhân dẫn đến đô thị phát triển tự phát trong nhiều năm qua; hậu quả gây ngập nước đô thị ngày càng nặng hơn. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay đã có hơn 22 trận mưa gây ra 50 điểm ngập, trong đó có 11 điểm ngập hiện hữu, 10 điểm ảnh hưởng thi công lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; còn ngập do triều xảy ra 19 lần, trong đó có 6 lần với đỉnh triều cao, trên 1,5m, thử hỏi làm sao mà nhiều nơi tránh được ngập nước.
Ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Môi trường TPHCM, dẫn chứng, phía Tây Nam TP phát triển nhanh mà không tính toán đến đầu tư ao hồ, sau đó lại tiếp tục lấp kênh rạch vô tư để phát triển, không gắn kết và lường trước những thay đổi của khí hậu và thiên nhiên. Sau đó mới đặt vấn đề xây dựng hồ điều tiết nước, thế nhưng hơn 10 năm qua vấn đề đầu tư này vẫn không ai quan tâm, dù nhiều cuộc họp HĐND TP có nêu ra. Ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Giám đốc Khu đường sông TP, cũng cho đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình thoát nước được đầu tư không theo quy hoạch chi tiết nào, tự mò mẫm làm, tới đâu hay tới đó. Sự yếu kém trong quản lý làm cho các nhà đầu tư không dám xây hồ điều tiết nước. Hiện nay, đã có kế hoạch đầu tư hồ điều tiết hở và ngầm như ở khu vực kênh Ba Bò, đất rộng người thưa giáp với tỉnh Bình Dương cho xây dựng hồ điều tiết hở là cần thiết, nhưng trong nội đô việc xây dựng hồ điều tiết là không đơn giản, thậm chí xây dựng hồ điều tiết ngầm dưới lòng đất cũng không khả thi, vì tìm đất ở đâu ra và xây dựng rất tốn kém; việc vận động người dân tự xây hồ trữ nước lại càng khó thuyết phục. Với tư cách là doanh nghiệp tham gia thi công nhiều công trình thoát nước ở TP, ông Nguyễn Anh Tài, Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương, cũng nhận định là không nên xây dựng hồ điều tiết ngầm, quá tốn kém và không bảo đảm an toàn, chỉ riêng việc chống thấm đòi hỏi kỹ thuật cao, khó mà thực hiện được và tình hình ngập nước hiện nay có phần trách nhiệm của các Ban quản lý dự án và thực tế các ban này chỉ xử lý ngập nước cục bộ thông qua các dự án chứ chưa giải quyết triệt để là do quy hoạch đã lạc hậu.
Qua các ý kiến trên, chúng tôi thấy rằng, căn cơ giải quyết ngập nước đô thị hiện nay là trước tiên phải lập cho được quy hoạch tổng thể, chi tiết cho năm lưu vực đúng với thực tế hiện nay và tương lai gần của đô thị, trên cơ sở đó lập kế hoạch nghiên cứu khảo sát từng lưu vực để có phương án đầu tư công trình cụ thể hoặc phi công trình cho phù hợp với từng lưu vực. Như thế hạ tầng đô thị sẽ được đầu tư và đưa vào khai thác đồng bộ, một khi đã đầu tư đồng bộ thì công tác giải quyết ngập nước đô thị ở từng lưu vực sẽ đạt kết quả cao hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng cùng với địa phương tăng cường công tác nạo vét kênh rạch, quản lý lòng bờ kênh rạch chặt hơn cùng với các giải pháp vệ sinh môi trường khác thì không cần phải tiêu tốn nhiều kinh phí xây dựng hồ điều tiết nước, nhất là hồ điều tiết ngầm dưới lòng đất quá tốn kém và không khả thi.
Ngọ̣c Xuân